Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016

The Tricky Master (2000) [HD] (Engsub)


The Tricky Master (2000) là bộ phim hài của Châu Tinh Trì xoay quanh anh chàng cảnh sát chìm Lương Khoan, do sai sót trong hành động đã bị khiển trách nặng nề. Được giao cơ hội khám phá chứng cứ tội phạm của tay cờ bạc khét tiếng Ferrari, Lương Khoan trong phim hd này nhanh nhảu lên đường làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm phá án liên quan đến các tổ chức cờ bạc phi pháp, phải tự tầm sư học đạo để dễ dàng xâm nhập vào giới bài bạc. Bạn gái của Khoan giới thiệu cho anh người họ hàng xa là Hoàng Phi Hổ, vua bịp bạc Hồng Kông vừa được ra tù giúp đỡ. Từ đây, phim bắt đầu có những tình tiết thú vị, kính mời các bạn cùng xem phim Bịp Vương 2000. Khán giả sẽ vẫn chảy nước mắt, nhưng đó là bởi một loạt những chi tiết hài hước, mới mẻ và sáng tạo trong phim hay này!


Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

Constellations - Khám phá những chòm sao [Thuyết minh]



Khám phá những chòm sao. Chúng đã thu hút trí tò mò của con người qua hàng thế kỷ, làm say lòng các nhà thiên văn và các nhà khoa học. Bí ẩn của kim tự tháp Giza khổng lồ và chòm sao Orion có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Và thay vì 12 chòm sao chúng ta lại có tới 13 chòm sao trong cung hoàng đạo. Và 13 đối với chúng ta có dấu hiệu gì ? và tại sao nó lại còn 12 , chòm sao còn thiếu là gì ?
Nó cũng là nhứng dấu hiệu dẫn lối cho các thủy thủ qua những vùng đất khác. Và giờ đây nó dẫn lối cho các nhà thiên văn vén bức màn bí ẩn của những chòm sao!


Những cái chết ‘hợp lý’ nhất trong Tam Quốc

Có câu ” tính cách tạo nên số phận”, việc đúng hay sai của câu nói này khi áp vào diễn biến Tam Quốc mới thấy ứng với cách chết của một số nhân vật lừng danh.




Tào Tháo – chết do đa nghi

Người đời gọi Tào Tháo là gian hùng để ám chỉ đầu óc mưu mẹo linh hoạt có phần gian trá của ông. Tào Tháo từ lúc bé đã biết nghĩ mưu để đánh lừa người chú của mình, tới khi trưởng thành hơn thì đa mưu túc trí, ứng biến nhanh lẹ bất chấp các thủ đoạn.




Cũng do bản thân là người hay dùng mưu để lừa người nên Tào Tháo rất đa nghi, đây cũng là một tính cách vô cùng nổi tiếng của ông.

Khi càng về già, tính cách này ngày càng nặng, Tào Tháo thường hay lo sợ bị làm phản. Trước năm 219, căn bệnh đau đầu lâu năm của ông bị phát nặng. Lúc đó trong dân gian rất nể phục tài năng và đức độ của thần y Hoa Đà, Tào Tháo liền cho mời ông vào cung để chữa trị cho mình.


Thần y Hoa Đà.

Trong tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung có kể về cách chữa trị của Hoa Đà như sau: đầu tiên là sử dụng ma phế để gây mê, tiếp đó dùng một lưỡi rìu nhỏ để bổ đầu, cạo hết độc tích tụ. Đây thực tế là một phương pháp rất tiến bộ so với y học thời bấy giờ, tuy nhiên, do dân trí hồi đó còn thấp nên nghĩ tới chuyện mổ xẻ bổ não là không thể. Chính vì thế mà Tào Tháo đã nghi ngờ Hoa Đà định có ý giết mình để trả thù cho Quan Vũ. Ông hạ lệnh tống giam và tra tấn vị thần y cho tới chết.

Hoa Đà chết, cũng không ai chữa khỏi chứng đau đầu của Tào Tháo. Sau đó ít lâu thì Tào Tháo cũng qua đời do chứng bệnh này.

 Quan Vũ – chết do kiêu ngạo

Năm 219 thời Tam Quốc, có một sự kiện gây chấn động là việc danh tướng hàng đầu thiên hạ Quan Vũ bị bắt giữ và hành quyết bởi quân đội Đông Ngô tại Lâm Thư, đất Kinh Châu. Trước đó, Quan Vũ là người nắm giữ bảo vệ vùng lãnh thổ Kinh Châu, cũng là người đứng đầu Ngũ Hổ Tướng lừng danh của đất Thục, là nhị đệ kết nghĩa của Chiêu Liệt Đế Thục Hán Lưu Bị, quyền cao chức trọng, tiếng tăm như sấm động thiên hạ.



Người đời tôn vinh Quan Vũ bởi lòng trung thành, dáng vẻ bất phàm, võ lực thần uy cùng sự can đảm không ai sánh nổi của ông. Tuy nhiên, thất bại ở Kinh Châu không hẳn là một điều lạ lùng khi chính Quan Vũ đã bị tính cách kiêu ngạo của mình làm hại.

Trước khi giao Kinh Châu cho Quan Vũ trấn thủ, Gia Cát Lượng có khuyên ông 1 câu ” Chính sách đúng đắn nhất là Đông hòa Tôn Quyền, Bắc cự Tào Tháo“. Thế nhưng, Quan Vũ do có ác cảm về việc Đông Ngô hay cho người làm phiền về việc đòi lại 3 quận Kinh Châu mà sinh ra chán ghét, thậm chí là coi thường.

Khi Tôn Quyền cho sứ giả sang đề cập chuyện se duyên giữa con gái Tôn Quyền với con trai Quan Vũ, ông đã trả lời 1 câu gây mếch lòng nặng nề : “Con ta là con Hổ, cớ gì phải se duyên với loài chó“. Đây thực chất là một hành động rất kém khôn ngoan nếu xét về phương diện ngoại giao. Điều này đã gây ra mối thù giữa 2 phe Thục và Ngô, là nguyên nhân lớn dẫn tới việc Đông Ngô đánh úp Kinh Châu lúc Quan Vũ tham gia chiến dịch Phàn Thành.




Bản thân chính Quan Vũ cũng đã từng được 1 gia tướng nhắc nhở về việc chú ý phòng thủ Kinh Châu, nhưng ông do coi thường phe Đông Ngô mà xem nhẹ ý kiến này. Cuối cùng, cả 2 cha con và gia tướng Châu Thương đều bị bắt sống và xử trảm, hậu quả nặng nề để lại dẫn tới việc đánh mất Kinh Châu, một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng của triều đình Thục Hán. Ngoài ra nó còn gây tác động nặng nề tới tư tưởng chống Ngô của Lưu Bị về sau này.
 
Trương Phi – chết do nóng tính

Không lâu sau cái chết của nhị ca Quan Vũ, Trương Phi đi tới Thành Đô để yêu cầu Lưu Bị tiến hành phạt Ngô. Sau khi ra về, ông ta lệnh cho thợ may phải gấp rút hoàn thành giáp trắng, cờ trắng, trang phục trắng để ra quân. Do thời gian quá sát nên 2 tướng phụ trách công việc này là Trương Đạt và Phạm Cương đã đưa ra những lí do để Trương Phi có thể thông cảm.


Tuy nhiên, do bản tính nóng nảy thô bạo, Trương Phi đã phạt đánh cả 2 và đe dọa nếu không hoàn thành đúng kỳ hạn thì sẽ đem ra xử trảm. Không còn đường lùi, Trương Đạt và Phạm Cương đã cùng âm mưu để ám sát Trương Phi . Ông bị đâm chết và chém lấy thủ cấp đem sang nộp cho bên Đông Ngô.
 
Ngụy Diên – chết do phản phúc



Ngụy Diên là mãnh tướng lừng danh của Thục Hán, ông có tính cách bạo dạn và tài năng thao lược khá toàn diện. Nhưng theo mắt nhìn của Gia Cát Lượng thì Ngụy Diên là tướng người phản phúc, có thể ông ta sẽ rất trung thành với Lưu Bị nhưng khi chính quyền trung ương tỏ ra yếu kém thì nhiều khả năng Ngụy Diên sẽ làm phản.

Quả nhiên, trong Tam Quốc Diễn Nghĩa có miêu tả việc Ngụy Diên thực hiện một số hành động tạo phản ngay khi Gia Cát Lượng vừa qua đời. Ngụy Diên cố gắng lôi kéo Mã Đại đứng về phe mình mà không chút nghi ngờ. Nhưng sự thật là từ trước đó, Mã Đại đã nhận được mật lệnh và lời căn dặn từ Gia Cát Lượng, giả vờ qui thuận Ngụy Diên để tìm cơ hội tốt nhất giết chết ông ta. Nếu Ngụy Diên không làm phản thì Mã Đại cũng sẽ không sử dụng mưu sách mà Gia Cát Lượng dặn dò để giết ông ta.

Theo Thế Giới Game

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2016

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2016

Gia Cát Lượng đã bức mưu thần Bàng Thống vào “tử lộ” như thế nào?



Đằng sau cái chết có tính toán từ trước của đại mưu thần Bàng Thống, có sự hiện diện của những lời đe dọa đến từ Gia Cát Lượng - người đã từng đích thân mời ông về phò tá cho Lưu Bị.



Gia Cát Lượng và Bàng Thống đều là mưu sĩ hàng đầu trong tiểu thuyết “Tam Quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung, được mệnh danh là  nhất “Long”, nhất “Phượng”.

Đại ẩn sĩ Tư Mã Huy từng tán dương rằng: "Nếu có được một trong hai người: Ngọa Long (tức Khổng Minh) hoặc Phượng Sồ (tức Bàng Thống) thì có thể định hưng được thiên hạ".
Vậy tài trí của hai người có gì khác biệt? Lưu Bị đã từng sở hữu cả Long lẫn Phượng, cớ sao vẫn không thể có được thiên hạ?

Trong kỳ 3 cuốn “Bách Gia giảng đàm” có chủ đề  “Vì sao Bàng Thống phải “tự sát”?” đã viết rằng: ai có thể ngờ rằng, đằng sau cái chết loạn tiễn xuyên tâm, máu chảy đầu rơi lại là cả 1 kế hoạch được Phượng Sồ dày công sắp đặt .

Chẳng hề nghi ngờ rằng, thời bấy giờ Bàng Thống là người duy nhất có đủ tài năng mở đường tới nước Thục, nhưng vào thời khắc quan trọng ông lại giao lại toàn bộ cho người có tài trí thấp hơn nhưng chí hướng cao hơn ông một bậc là Khổng Minh.

Gia Cát Lượng mời Bàng Thống, sau lại muốn phế Bàng Thống

Gia Cát Lượng và Bàng Thống.

Gia Cát Lượng có thể giúp Lưu Bị lấy được Kinh Châu, nhưng khi đối diện với "dân cường địa hiểm" Tây Xuyên, ông phải bó tay.

Vừa không biết khuyên Lưu Bị giả nhân nghĩa, soán ngôi Lưu Chương như thế nào, lại không dám tái diễn "Xích Bích đại chiến" với Tây Xuyên, Gia Cát Lượng liền mượn cớ tới Đông Ngô viếng Chu Du để mời người tài giỏi hơn mình 1 bậc - Bàng Thống.

Về sau, một người trấn thủ Kinh Châu, một người tấn công Tây Xuyên, và cả 2 đều trở thành trợ thủ đắc lực cho Lưu Bị.

Quả thực, Bàng Thống tài năng hơn Khổng Minh.

Ông hiểu được rằng muốn chiếm được Kinh Châu, Lưu Bị phải diễn màn giả nhân nghĩa, vì còn phải mưu tính để lấy được thiện cảm của Lưu Chương về sau, nhưng khi đến chỗ Lưu Chương thì có thể hoàn toàn có thể lột bỏ mặt nạ, “bức vua thoái vị”.

Về văn, ông dễ dàng thuyết phục được Lưu Bị chỉ với 4 từ “nghịch thủ thuận thủ”. Về võ, ông chỉ dùng 2 mạt tướng mà Khổng Minh không muốn dùng là Hoàng Trung và Ngụy Diên đã có thể phá vòng vây ở Tây Xuyên.

Tuy nhiên, vào thời điểm chiến dịch Tây Xuyên sắp "đại công cáo thành" thì tình hình có chuyển biến, Khổng Minh đã gửi cho Bàng Thống một lá thư đe dọa.

Hành động này gần giống như việc trước đây Trình Dục lừa Từ Thứ, Trình Dục lợi dụng lòng hiếu thảo của Từ Thứ, uy hiếp mẹ Từ Thứ rồi kêu gọi Từ Thứ đầu hàng.

Còn Gia Cát Lượng thì lợi dụng lòng trung thành của Bàng Thống đối với Lưu Bị cũng như sự ưu ái của Lưu Bị đối với Bàng Thống để khiến Lưu Bị dao động, rồi diệt người đầy tớ trung thành.

Nhìn thấu Lưu Bị, Bàng Thống quyết lấy cái chết để giữ thanh danh

Vấn đề mâu thuẫn ý kiến giữa Ngọa Long - Phượng Sồ khiến Lưu Bị do dự. Một mặt, Lưu Bị rất quý trọng vị mưu thần tài năng Bàng Thống, mặt khác cũng vô cùng tin tưởng Gia Cát Lượng liệu sự như thần.

Để bảo toàn lực lượng, Lưu Bị đành phải quyết định lui về Kinh Châu.

Ngày hôm sau, để khuyên giải Bàng Thống, Lưu Bị nói với Bàng rằng: "Ta nằm mơ thấy vị thần cầm thiết bổng đánh vào tay phải ta, ngủ dậy vẫn thấy đau. Liệu có phải điềm dữ?”

Bàng Thống vốn dũng cảm, không tin chuyện thần ma, không chịu được lời nói yếu hèn, so tính thiệt hơn, ông đáp lại rằng: "Tráng sĩ ra trận, không chết mà bị thương là chuyện thường, chúa công hà tất phải đa nghi chuyện mộng mị?

Chúa công bị Khổng Minh mê hoặc. Người này cũng vì không muốn Thống độc thành đại công nên mới cố tình nói vậy khiến chúa công sinh lòng hoài nghi. Lòng hoài nghi thì sẽ thành mộng, chứ nào có điềm xấu gì?

Thống có máu chảy đầu rơi, vẫn giữ lòng này. Mong chúa công đừng nói gì thêm mà nên sớm quyết  tiến binh".

Nói rất hay! Thứ nhất dũng, thứ hai trung, thứ ba duy vật, thứ tư không suy nghĩ như kẻ tiểu nhân tham công.

Tuy nhiên, khi Bàng Thống nói ra những lời khảng khái của mình, cũng là lúc lòng trung của ông đối với Lưu Bị đã mất dần đi, ông không còn muốn dốc sức vì Lưu Bị nữa.

Lưu Bị giờ đây không chỉ “ngu nhân, ngu nghĩa” mà còn “ngu tín”, không còn gì đáng để theo nữa.
Trong "Tam Quốc diễn nghĩa", các mưu sĩ thường rất ít khi nhắc đến cái chết trong lời thề của mình, một khi đã nhắc đến thì rất có thể người đó đã có động cơ hướng đến với cái chết.
Như khi bắc phạt, Quách Gia đã nói với Tào Tháo: "Tôi cảm tạ đại ân của Thừa tướng, có chết cũng không báo đáp hết được".

Bàng Thống cũng giống Quách Gia, cũng là trong lòng có ý “phản chủ”, song vẫn phải cố tỏ ra trung nghĩa. Hơn nữa, họ đều đặt tiền đồ của quốc gia lên trên sự sống cái chết cá nhân.

Dù Quách Gia không biết Lưu Bị là người như thế nào, nhưng chí ít ông có thể tin rằng tư tưởng tân Nho gia của Lưu Bị tốt hơn tân Pháp gia của Tào Tháo.

Bàng Thống cũng vậy, mặc dù ông không thể biết được Gia Cát Lượng sẽ làm những gì trong tương lai, nhưng chí ít ông có thể chắc chắn rằng Nho - Pháp kết hợp của Lượng cao hơn so với tân Nho gia của Lưu Bị, và có thể phát triển hơn trong tương lai.


Bàng Thống tự vạch ra kế hoạch tự sát cho mình vì nhìn thấu sự nhu nhược của Lưu Bị.


Bàng Thống tự vạch ra kế hoạch tự sát cho mình vì nhìn thấu sự nhu nhược của Lưu Bị.


Bàng Thống luôn sống tuân theo lý tưởng trung thành, chưa bao giờ mảy may có ý định cướp đoạt thiên hạ, vì thế ông muốn nhường địa vị cho Khổng Minh.

Thứ nhất, ông làm vậy nhằm bảo vệ danh dự của 1 nam tử hán.

Thà “da ngựa bọc thây” chứ không làm kẻ đào ngũ. Lẽ ra, khi đó Bàng Thống có thể chọn cách lui quân để bảo toàn tính mạng, nhưng ông không làm như vậy. Đây cũng là điểm khác biệt lớn nhất trong tính cách của Bàng Thống và Lưu Bị.

Thứ hai, Bàng Thống vì không muốn ảnh hưởng đến Gia Cát Lượng nên đã đẩy nguyên nhân gây ra cái chết của mình về phía Lưu Bị.

Vì sao ngựa của ông “cưỡi đã lâu, chưa bao giờ như vậy” đột nhiên lại sa chân trước? Lẽ nào ông cũng bắt đầu hoài nghi, sợ chết rồi nên tâm trạng ảnh hưởng đến ngựa?
Không phải vậy! Bàng Thống biết được Lưu Bị mê tín, nên dựa vào sự quan tâm của Lưu Bị để ông đổi ngựa cho mình.

Bàng Thống sau khi cưỡi con bạch mã của Lưu Bị không những chết rất nhanh, mà còn có thể đổ hết sơ suất lên đầu Lưu Bị. Như vậy, chủ tướng cũng sẽ không thể trút giận sang Khổng Minh.
Thực ra việc Lưu Bị mơ thấy thần tiên đánh vào cánh tay cho thấy Lưu Bị đã có chút nghi ngờ Gia Cát Lượng, vì thần tiên trong lòng Lưu Bị chỉ có Khổng Minh mà thôi.

Thứ ba, Bàng Thống chọn chết tại đèo Lạc Phượng cũng là để an ủi Lưu Bị rằng: “số mệnh của ông đã tới lúc phải chết, Lưu cũng không nên quá tự trách mình".

Thứ tư, vì sao Bàng Thống nhắc đi nhắc lại rằng bức thư của Gia Cát Lượng là do đố kỵ? Vì sao ông lại hành quân trên con đường nhỏ, hiểm yếu mà đẩy Ngụy Diên ra tuyến đầu?

Bản thân “trói gà không chặt”, chỉ huy hậu quân vốn gặp nhiều nguy hiểm hơn nhằm mục đích gì? Tại sao lại không hành quân cùng Ngụy Diên trong khi điều này hoàn toàn có thể?

Rõ ràng, Bàng Thống muốn bày sơ hở này để chứng tỏ với Gia Cát Lượng rằng: Ông cam tâm tình nguyện nhường công, nhường địa vị cho Lượng, chứ không phải chết trong tay Lượng, càng không phải vì không biết mưu đồ hiểm ác của Lượng.

Từ đó có thể thấy rằng, Khổng Minh không phải là người chịu trách nhiệm trực tiếp trong cái chết của Bàng Thống.

Nếu thực sự muốn tìm một nguyên nhân dẫn đến cái chết của mưu thần này thì đó chính là việc Khổng Minh đã bắn hỏa tiễn trước, đánh vào tâm lý Bàng Thống.

Việc này giúp Bàng Thống nhận ra rằng: không chỉ “ngu nhân, ngu nghĩa” mà Lưu Bị còn hèn nhát, “ngu tín”, điều đó càng làm cho ông quyết tâm từ bỏ phò Lưu Bị, “ngã theo tiếng súng”.
Không thể nghi ngờ gì rằng, Bàng Thống là người duy nhất có đủ tài năng mở đường tới nước Thục, nhưng vào thời khắc quan trọng ông lại giao lại toàn bộ cho người có tài trí thấp hơn, nhưng chí hướng cao hơn ông một bậc là Khổng Minh.

Phương pháp “số mệnh” của La Quán Trung thật tài tình, nhìn bề ngoài thì cuối cùng cả 2 cách lý giải về tinh tượng gần như đều ứng nghiệm, nhưng thực ra đều do con người điều khiển.


theo Trí Thức Trẻ

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2016

Giải mã thời Tam quốc: Gia Cát Khác – Kỳ tài chẳng kém Khổng Minh

TPO-Gia Cát Lượng thường được ví như là “vạn đại quân sư” bởi tài năng thông thiên triệt địa của ông. Nhưng ở Đông Ngô, cũng từng có một Đại tướng quân Gia Cát Khác gọi ông bằng chú ruột, một thời hô mưa gọi gió.



Gia Cát Khác tuy tài năng nhưng không có cái khiêm nhường của Gia Cát Cẩn, không có cái khéo léo của Gia Cát Lượng nên thất bại.

Trong suốt thời đại Tam Quốc, chiến tranh liên miên nhưng người tài lại xuất hiện nhiều không kể xiết. Tuy nhiên có lẽ hậu thế chỉ biết đến một Hán thừa tướng Gia Cát Lượng mà không mấy ai biết đến Đông Ngô vẫn còn một Gia Cát khác.

Người này chính là vị Đô Đốc kế nhiệm Lục Tốn, họ Gia Cát, tên là Khác, tự Nguyên Tốn, là con cả của Gia Cát Cẩn, gọi Khổng Minh bằng chú. Đây cũng là một trong những nhân vật hiếm hoi của Đông Ngô được Tam Quốc Diễn Nghĩa nhắc đến sau khi Gia Cát Lượng qua đời bên cạnh những cái tên như Khương Duy, Chung Hội, Đặng Ngải.

Rủi thay, vị Đô Đốc mang họ Gia Cát này lại được biết đến như một kẻ tài trí chẳng có, lại chuyên quyền độc đoán, cuối cùng bị Ngô chủ lúc đó là Tôn Lượng hợp mưu cùng Tôn Tuấn trừ đi. Sự thật liệu có phải như thế?

Giỏi việc dùng binh


Về tài dùng binh của Khác thì Tam Quốc Diễn Nghĩa kể khi quân Ngụy tiến đánh quận Đông Hưng, Khác được tướng quân Đinh Phụng hiến kế, cũng đích thân Đinh Phụng dẫn ba nghìn tử sĩ đánh bại quân Ngụy.

Sau đó Gia Cát Khác lại đem quân đánh Tân Thành suốt hai tháng, đến lúc tường thành sắp đổ thì bị quan giữ thành là Trương Đặc lừa. Trương Đặc sai người mang sổ sách đến dâng lên Khác, rồi thác rằng theo luật của Ngụy giữ thành trăm ngày không có quân cứu thì dù hàng địch, gia quyến vẫn được miễn tội, xin Khác tạm lui quân, vài ngày sau sẽ ra hàng. Khác tin là thật nên lui quân, Trương Nhĩ cho người gấp tu sửa trường thành, tiếp tục tử thủ. Tóm lại, đánh Ngụy ở Đông Hưng là kế của Đinh Phụng, mà bị lừa ở Tân Thành là do sự “thật thà” của vị Đô Đốc Gia Cát Khác. Trước có Lỗ Túc, sau có Gia Cát Khác, dường như La Quán Trung rất thích để cho các Đô Đốc của Đông Ngô “thật thà”.

Có điều La tiên sinh không nói vì sao một người Khác lại có thể trở thành Đại Đô Đốc, được Tôn Quyền di mệnh phò tá ấu chúa Tôn Lượng. Nhưng những chuyện này thì Tam Quốc Chí lại viết rất rõ.

Khi Khác còn trẻ, bấy giờ Đan Dương là quận trọng yếu liền kề bốn quận Ngô, Cối Kê, Tân Đô, Bà Dương nhưng vì núi rừng liên tiếp nên người ở trong đó hay làm giặc cướp, không thể bắt hết được. Khác bèn xin với Quyền ra làm quan, “cho là ba năm thu tất được bốn vạn quân mang giáp”. Mọi người đều cho là không thể, ngay cả cha Khác cũng nói Khác làm xấu mặt cả nhà.

Khi Khác đến đó liền “chia sai các tướng đem quân chặn chỗ hiểm, chỉ đóng giữ rào lũy, không ra giao tranh, đợi thóc lúa của địch sắp chín thì tung quân ra gặt hái, khiến cho địch không còn lúa giống. Lúa cũ đã hết, ruộng mới lại không gặt, dân thường ở yên, địch không vào cướp được, do đó dân trên núi đói khốn, dần dần ra hàng. Khác bèn hạ lệnh lại rằng: "Người trên núi bỏ điều ác theo giáo hóa, đều nên vỗ về, dời ra huyện ngoài, không được gây nghi ngờ, nếu có sẽ bắt giam".

Cữu Dương Trưởng là Hồ Kháng bắt được dân hàng là Chu Di, Di vốn là dân ác cũ, vì khốn cùng mà ra hàng, trong lòng mưu phản nghịch, Kháng bắt trói đến phủ. Khác thấy Kháng làm trái lệnh, liền chém để răn chúng, đem tình trạng báo lên. Dân nghe tin Kháng vì có tội bắt người mà bị giết, biết rằng quan lại chỉ muốn bọn mình ra hàng mà thôi, do đó già trẻ dắt nhau mà ra, đến hẹn, số người ra hàng đều như phép cũ.”[1]

Quyền bái Khác làm Uy Bắc Tướng quân, tước Đô Hương Hầu. Khác lại xin đem quân đến trấn giữ Lư Giang rồi, rồi nhân đó đánh huyện Lục An, phá trại tướng Ngụy là Tạ Thuận, bắt dân đem về cho Giang Đông. Thậm chí, khi Tư Mã Ý đích thân ra trấn giữ, Khác còn có ý định đối đầu với Ý nhưng bị Quyền ngăn cản, dời về Sài Tang.

Một người cầm binh như thế, sao có thể bị một tên tướng giữ thành như Trương Đặc dùng chút kế mọn lừa gạt như một đứa con nít ba tuổi được?

Hay như việc quân Ngụy đánh Đông Ngô, Tam Quốc Diễn Nghĩa cũng kể là do Tư Mã Sư nghe Tôn Quyền mất nên mới quyết định cất bảy vạn quân đánh Đông Hưng. Nhưng kỳ thực là do sau khi phò tá Tôn Lượng lên ngôi, Gia Cát Khác cho đắp đê lớn ở Đông Hưng, lại sai hai tòa thành liền núi ở hai phía trái phải. Quân Ngụy vì cảm thấy bị uy hiếp và lấn đất nên mới phạt Ngô.

Tam Quốc Diễn Nghĩa vì muốn tạo nên một hình mẫu phản diện của Gia Cát Khác nên mới không hề nhắc đến công lao của Khác, lại đem Khác biến thành một người “thật thà” dễ dàng bị lừa gạt, đem công lao phá Ngụy quy hết cho Đinh Phụng.

Cứ theo tài năng của Gia Cát Khác như trên mà xét, Quyền dùng Khác làm người kế tục Lục Tốn, phụ chính đại thần cho ấu chúa Tôn Lượng chắc chắn không sai. Vậy thì vì sao Khác phải chuốc họa diệt gia?
.
Tài đi với tật

Tam Quốc Chí kể, Khác từ nhỏ đã chứng tỏ tài trí hơn người, “được bái Kị Đô úy, giảng luận đạo học hầu bên Thái tử Đăng”. Trong đó có câu chuyện nổi tiếng "Đặt tên cho lừa".

Chuyển kể Gia Cát Cẩn (cha của Khác) mặt dài như mặt con lừa, Tôn Quyền hội gặp bầy tôi, sai người dắt một con lừa vào, thấy con lừa mặt dài, đề chữ “Gia Cát Tử Du”. Khác quỳ nói: "Xin cho viết thêm hai chữ". Quyền nghe theo cho viết. Khác viết tiếp ở dưới là “chi lư” tức là "lừa của" lên trên tấm bảng treo ở cổ con lừa, như vậy câu trên thành "Lừa của Gia Cát Tử Du" (Gia Cát Tử Du chi lư).

Những chuyện thể hiện sự lanh lợi và tài biện bác của Khác rất nhiều. Có thể nói tài năng biện bác của Khác thật chẳng kém việc Khổng Minh khẩu chiến quần nho trong Tam Quốc Diễn Nghĩa.
Chỉ là cũng chính vì tài năng được bộc lộ và công nhận quá sớm này là nguyên nhân ông phải chuốc họa diệt gia.

“Thất bại có càng sớm là vệ sĩ của thành tựu/Hạnh phúc có càng sớm là nguồn gốc của diệt vong” [2]. Gia Cát Khác từ nhỏ tài năng sớm bộc lộ. Khi trưởng thành giữ chức Đô Úy, rồi thành công thu phục Đan Dương, chống lại quân Ngụy, thẳng đường nắm giữ binh quyền trong tay, chưa từng chiến bại. Bởi vậy khi đánh Tân Thành bất lợi, dù Sái Lâm hiến kế Khác cũng chẳng nghe..


Tôn Quyền trêu Gia Cát Cẩn “mặt dài như lừa”, Gia Cát Khác nhanh chóng ứng biến



Lại nữa, bởi giỏi tài biện bác không ai có thể khuyên can. Đằng Dận khuyên Khác đừng đánh Ngụy bị Khác phản bác, Tưởng Diên can ngăn thì bị đuổi, Niếp Hữu vốn giỏi tài ăn nói cũng không khuyên được ông mà lão thần Lã Đại từng răn dạy ông phải suy nghĩ kỹ càng cũng bị ông biện bác không thể đáp.

Tài hoa bộc lộ, sự tán dương của mọi người khiến Khác đắm chìm trong danh vọng. Không nghi ngờ gì thất bại tại Tân Thành là lần thất bại to lớn đầu tiên đả kích vào sự kiêu hãnh của Khác. Vì thế ông chỉ mong chứng tỏ tài năng của mình chứ nào quan tâm đến những chuyện khác như binh sĩ đã mỏi mệt. Tam Quốc Chí viết: “Quân sĩ bệnh tật, vứt qua đầy đường, có kẻ đâm đầu xuống hang hố, có kẻ lại bị bắt cướp, sống chết buồn giận, lớn nhỏ kêu than”, vậy mà Khác chỉ lo“đổi quân vệ, dùng người thân của mình, rồi lệnh sửa quân, muốn hướng đến miền Thanh Châu, Từ Châu”[1].

Như thế đã rõ, Khác thay đổi quân thân vệ là để đề phòng mình ra ngoài thì bên trong sinh biến, nhưng việc này lại động chạm đến quyền lợi của Tôn Tuấn (trông coi cấm vệ) nên mới chuốc họa diệt gia. Gia Cát Lượng quanh năm chinh chiến cũng khiến cho nước Thục mỏi mệt, nhưng ông vẫn là người quan tâm bách tính, xử lý các mối quan hệ chính trị khôn khéo nên tấm gương trung liệt của ông còn mãi.

Gia Cát Khác tuy có cái tài của bậc cha chú, nhưng lại không có cái khiêm nhường của Gia Cát Cẩn, không có cái khéo léo của Gia Cát Lượng mà thất bại. Hậu thế chỉ nhắc đến một Hán Thừa Tướng Gia Cát Lượng, không phải là không có nguyên nhân vậy.
................................
Chú thích và tham khảo:
[1] Tam Quốc Chí – Gia Cát Khác truyện (NXB Văn học 2016, Bùi Thông dịch, Phạm Thành Long hiệu đính).
[2] Hỏa Phụng Liêu Nguyên, Trần Mỗ.

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016

Journey to the edge of the universe [1080i] - Hành trình đến tận cùng vũ trụ - [Vietsub]

Cuộc hành trình bắt đầu từ Trái đất, sẽ đưa chúng ta đến Mặt trời và các hành tinh trong hệ Mặt trời, rồi ra ngoài hệ mặt trời, rồi ra ngoài Ngân hà để đến các thiên hà láng giềng. Chúng ta sẽ đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác:

-Vẫn còn 1 con tàu thám hiểm của Liên Xô trên Sao Kim từ năm 1966, nhưng nó đã bị bóp bẹp vì áp suất khí quyển cực cao của Sao Kim.

-Những cơn bão khổng lồ trên sao Thổ đã tồn tại suốt 300 năm nay, với đường kính gấp 3 lần Trái Đất.

-Chúng ta sẽ gặp gỡ những vật thể khổng lồ trong vũ trụ, như thể tích của Mặt trời có thể chứa đến hơn 1 triệu Trái đất, nhưng Mặt tời vẫn còn nhỏ bé so với những ngôi sao lớn hơn nó cả triệu lần.

-Những sao lùn trắng nơi mà vật chất bị nén ở mức độ khủng khiếp - chỉ một thìa cafe vật chất cũng nặng đến 1 tấn. Nhưng còn chưa ăn thua gì so với các sao neutron mật độ vật chất cô đặc đến độ chỉ 1 lượng vật chất bằng đầu cây kim cũng nặng cỡ... triệu tấn.








Thứ Hai, 18 tháng 7, 2016

[youtube] Khám phá bí ẩn của thời gian (Illusion of Time) [Vietsub]

Trong vũ trụ,thời gian không trôi đồng nhất với nhau trong không gian. Theo thuyết tương đối của Einstein thì thời gian trôi nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào vận tốc di chuyển. Barbour, nhà vật lý trứ danh người Anh đã giải thích rằng trong một chiều không gian đặc thù, thời gian đơn giản là không tồn tại. Hoặc như chính Einstein nói: “Những người như chúng ta, những kẻ tin vào vật lý học, biết rằng sự phân biệt giữa quá khứ, hiện tại, và tương lai chỉ là một ảo tưởng cố chấp dai dẳng.”






Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2016

Giải mã Tam quốc: Thực hư chuyện Lưu Bị nghi kỵ Gia Cát Lượng

Lịch sử cho thấy Lưu Bị và Gia Cát Lượng không giống những cặp quân thần khác, giữa họ tồn tại một mối quan hệ khá đặc biệt.


“Tam cố thảo lư”.

Mối quan hệ giữa Lưu Bị và Gia Cát Lượng trong Tam Quốc Diễn Nghĩa vẫn được xem là tấm gương quân thần chuẩn mực cho hậu thế. Tuy nhiên gần đây, xuất hiện những ý kiến cho rằng hai người này không thân thiết như "quân thần cá nước", thậm chí nghi kỵ lẫn nhau.

Mọi vấn đề đều cần xem xét từ nhiều mặt, thuyết âm mưu không phải là hoàn toàn vô lý. Nhưng nếu muốn đánh giá Lưu Bị và Gia Cát Lượng thì nên đặt họ dưới lăng kính tương đối đáng tin của lịch sử, chứ không phải là góc nhìn ảo diệu của tiểu thuyết. Và lịch sử cho thấy rằng, Lưu Bị và Gia Cát Lượng không giống những cặp quân thần khác, giữa họ tồn tại một mối quan hệ khá đặc biệt.

Như cá với nước

Đầu tiên, phải kể đến điển tích “Tam cố thảo lư” mà ai ai cũng biết. Thật ra, cầu hiền tài không lạ, Chu Văn Vương cầu Khương Tử Nha, đại khái cũng gần giống vậy. Khác biệt chính là, chưa thấy bá chủ hay quân vương nào kiên nhẫn đi tìm một kẻ ẩn cư kém mình đến hai mươi tuổi như Lưu Bị cầu Gia Cát Lượng.

Hai mươi tuổi không phải là khoảng cách nhỏ, đó là cả một thế hệ. Vậy mà, một tướng quân lão luyện đã nửa đời lăn lộn trên chiến trường lại đối đãi một thư sinh non nớt chưa từng trải trận đánh nào vào “bậc thầy”, thế có lạ không?



Lưu Bị và Gia Cát Lượng có mối quan hệ khá đặc biệt

Thứ nữa, Lưu Bị ví mình với Khổng Minh “như cá gặp nước”. Từ cổ chí kim, chỉ thường nghe “hổ thêm cánh”, “rồng gặp mây” chứ có quân vương nào lại so sánh mình với thần tử như vậy?

Cũng không phải tự nhiên Lưu Bị đưa ra phát ngôn này, mà là vì: “Tiên chủ với Lượng tình nghĩa hết sức thắm thiết. Quan Vũ - Trương Phi rất không hài lòng. Tiên Chủ giải thích: “Cô được Khổng Minh, như cá gặp nước vậy. Hai em chớ nên nhiều lời.”” [1]

Quan Vũ và Trương Phi theo Lưu Bị từ thuở hàn vi, thân thiết như anh em, mà bây giờ phải ghen tị, thì mối quan hệ Bị - Lượng này thắm thiết đến mức nào? Cái đó chúng ta không được biết, chỉ thấy Gia Cát Lượng đại truyện chép: “Ở thời kỳ này Gia Cát Lượng và Lưu Bị ăn cùng bàn, ngủ cùng giường, gắn bó với nhau để nghiên cứu tất cả qui hoạch phòng bị. Bởi hai người cơ hồ như một, khiến Lưu Bị cũng xa rời Quan Vũ và Trương Phi, làm cho hai người ấy nảy sinh vấn đề tâm lý”.

Vậy Lưu Bị và Gia Cát Lượng ”cơ hồ như một” ra sao? Kể từ lúc Ngọa Long xuất sơn cho đến sau Xích Bích, hầu như tất cả các hoạt động lớn nhỏ của tập đoàn Thục Hán, Lưu Bị đều nghe theo ý kiến của Gia Cát Lượng, việc đấy chắc hẳn không cần bàn thêm nữa. Khúc mắc chủ yếu dẫn đến nghi vấn Lưu Bị ngờ vực hay không trọng dụng Khổng Minh là từ khi Bàng Thống xuất hiện.

Tiền tuyến – hậu phương

Ở hai chiến dịch quan trọng là Tây Xuyên và Hán Trung, Lưu Bị đều không dẫn Gia Cát Lượng theo. Điều này làm nảy sinh nhiều ý kiến cho rằng Bị trọng dụng Bàng Thống, Pháp Chính hơn, vì Lượng chỉ ở nhà làm công tác hậu cần.

Đánh giá như thế chứng tỏ tầm hiểu biết quân sự chính trị còn hạn chế. Ai cung cấp lương thảo, khí giới? Ai quản lý hậu phương? Nên biết rằng, quân nhu đầy đủ, hậu phương vững chắc thì tiền tuyến mới đủ khả năng giành thắng lợi. Do vậy, mưu sĩ như Bàng Thống hay Pháp Chính có thể có hoặc không, nhưng người quản lý nội chính như Gia Cát Lượng lại tuyệt không thể thiếu.


Lưu Bị ra chiến trường, toàn quyền quản lý Thành Đô giao lại cho Gia Cát Lượng

Nếu như vậy vẫn chưa đủ chứng minh địa vị trọng yếu cũng như sự tin tưởng mà Lưu Bị dành cho Gia Cát Lượng, thì Tam Quốc Chí – Gia Cát Lượng truyện viết: “Thành Đô bình định, Lượng lĩnh chức quân sư tướng quân, tạm coi việc Tả tướng quân phủ. Tiên Chủ đánh dẹp bên ngoài, Lượng thường trấn giữ Thành Đô.” Tả tướng quân là chức vị lúc bấy giờ của Lưu Bị, phủ Tả tướng quân là nơi Bị giải quyết việc công. Điều này có nghĩa là: Khi Bị ở Thành Đô, công vụ chủ yếu do Lượng đảm trách. Lúc Bị ra chiến trường, toàn quyền quản lý Thành Đô giao cho Gia Cát Lượng.

Đó cũng là nguyên nhân khiến Lượng không theo Bị đánh Đông Ngô, chứ không phải vì Lượng phản đối Đông chinh. Thực tế, Tam Quốc Chí Chú của Bùi Tùng Chi - vốn tập hợp nhiều sử liệu giai đoạn Tam Quốc - cũng không thấy tài liệu nào ghi rằng Lượng có can gián. Một sự kiện quan trọng của một nhân vật lịch sử vĩ đại, lý nào lại không có lấy một dòng?

Thêm nữa, Long Trung Sách đặt ra phương hướng hòa Ngô, lấy Kinh Châu làm bàn đạp đánh Tào, mà bây giờ Ngô không chịu hòa, Kinh Châu đã mất, Lượng lấy cớ gì phản đối đây? Do vậy, tin rằng lúc này giữa hai người không phát sinh mâu thuẫn, hoặc nếu có thì Khổng Minh cũng đã nhún nhường, vì suốt gần một năm trời Lưu Bị đánh Ngô, quân lương khí giới không hề chậm trễ.

Ngoài ra, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến việc công tác nhân sự trong tập đoàn đều có sự can dự của Gia Cát Lượng, đơn cử như tiến cử Bàng Thống, giết Lưu Phong, thậm chí cả việc phong quan thăng chức của các tướng lĩnh, bằng chứng là Quan Vũ thắc mắc chuyện tước vị của Mã Siêu thì gửi thư hỏi Lượng chứ không hỏi đại ca mình.

Phó thác con côi


Tam Quốc Chí chép: “Đến lúc trao việc nước thác con côi cho Gia Cát Lượng, mà lòng không ngờ vực, tin rằng vua tôi đều chí công, là điều chưa từng thấy xưa nay vậy.”

Trước khi chết, Lưu Bị dặn dò Gia Cát Lượng: “Nếu có thể giúp được con trẫm thì hãy giúp, nhược bằng nó bất tài, Thừa tướng hãy tự làm chủ”. Lời nói đó dẫn đến những tranh cãi suốt ngàn năm chưa ngã ngũ.

Thực ra câu này cũng không có gì ghê gớm.Trước Lưu Bị, Tôn Sách cũng đã từng dặn Trương Chiêu: "Nếu Trọng Mưu không nắm được việc thì ngài nên tự nắm lấy"[2]. Cho nên “tự làm chủ” ở đây không nên hiểu theo nghĩa “lên ngôi”, mà là tự quyết định việc lớn của quốc gia, thậm chí cả quyền phế lập nếu thiên tử bất tài.

Bởi, thứ nhất, cả Bị và Lượng đều không phải kẻ ngu dốt, bao nhiêu năm quân thần chẳng lẽ không đủ để hiểu nhau, phút lâm chung bao nhiêu việc quan trọng hơn cần làm, tâm tư nào mà thử lòng nữa?

Thứ hai, Thục lúc này ở vào tình trạng hậu chiến, chính trị và quân sự đều bất ổn, vua lại băng hà, rất cần một người có quyền lực tối cao để chỉnh đốn, mà người đó không thể là ai khác ngoài Gia Cát Lượng, cho nên Lưu Bị dùng một câu này thay “thượng phương bảo kiếm” trao Khổng Minh, chẳng có gì là kỳ lạ. Đây là kết quả tất yếu của mối quan hệ đặc biệt suốt mười sáu năm trời đó mà thôi.

Dẫu đến nay, vấn đề này vẫn còn gây tranh cãi, nhưng khi viết Tam Quốc Chí, Trần Thọ đã khẳng định rằng: “Đến lúc trao việc nước thác con côi cho Gia Cát Lượng, mà lòng không ngờ vực, tin rằng vua tôi đều chí công, là điều chưa từng thấy xưa nay vậy.”

Kết

Thực ra, chuyện Lưu Bị và Gia Cát Lượng đối xử với nhau ra sao, người ngoài không thể nào tường tận được. Nhưng không nên dùng những phán xét vẩn vơ, những nghi ngờ vô căn cứ để bôi nhọ một tấm gương quân thần xứng đáng để ngợi ca.


“Quân thần cá nước”.

Tại Thành Đô, người ta xây miếu thờ Gia Cát Lượng nằm trong Huệ Lăng của Lưu Bị, tạo thành hợp tự từ miếu quân thần độc nhất vô nhị của Trung Hoa, hàng năm nghi ngút khói hương; ở Miện Dương, tượng Lưu Bị - Gia Cát Lượng được tạc đứng cạnh nhau, dưới khắc bốn chữ: “Quân thần cá nước”.

Gia Cát Lượng thường được ví như là “vạn đại quân sư” bởi tài năng thông thiên triệt địa của ông. Nhưng ở Đông Ngô, cũng từng có một Đại tướng quân Gia Cát Khác gọi ông bằng chú ruột, một thời hô mưa gọi gió.Gia Cát Khác, nhân vật này liệu có gì đặc biệt?

 Đón xem: Gia Cát Khác – Bậc kỳ tài chẳng kém Khổng Minh
Theo TPO
.................................................

Chú thích và tham khảo: [1] Tam Quốc Chí – Gia Cát Lượng truyện (NXB Văn học 2016, Bùi Thông dịch, Phạm Thành Long hiệu đính). [2] Tam Quốc Chí – Trương Chiêu truyện.

Thứ Năm, 14 tháng 7, 2016

Giải mã Tam quốc:Vì sao Triệu Tử Long không giữ chức cao ??? - chính khách ẩn mình

Quan điểm cho rằng Triệu Vân không được giữ chức vụ cao là vì lí do chính trị đúng nhưng chắc chắn là chưa đủ. Ít nhất, nó không lý giải được, tại sao sau khi Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu, Hoàng Trung chết, Triệu Vân vẫn không được nắm giữ những chức vụ cao hơn.


Những người mê Tam Quốc luôn mặc định Triệu Vân là một trong những võ tướng bản lĩnh cao cường nhất thời đại ấy.

Triệu Vân quê ở Chân Định, thuộc Ký Châu, là vùng đất được mô tả là "Yên, Triệu nhiều khẳng khái chi sĩ, Hà Bắc sinh lớp lớp cường binh".

Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, La Quán Trung lại dành cho Triệu Vân những dòng tuyệt đẹp như: "...Ngọn thương của Vân múa, khi lên khi xuống thấp thoáng như cành hoa lê bay, lộn trước lộn sau tơi bời như hạt mưa tuyết toả. Trương Cáp, Từ Hoảng trông thấy rụng rời hết vía, không dám ra địch...", hoặc: "...Vân đi đến đâu, trên đầu phấp phới tung bay lá cờ đề bốn chữ Thường Sơn Triệu Vân. Quân Nguỵ trông thấy, lại nhớ đến trận Đương Đương Trường Bản, biết là anh hùng vô địch. Một đồn mười, mười đồn trăm, mũi thương của Vân trỏ vào chỗ nào, chỗ ấy chỉ còn biết rẽ nhau ra mà chạy..."

Đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa, nhiều người luôn mặc định Triệu Vân là một trong những võ tướng bản lĩnh cao cường nhất thời đại Tam Quốc. Có điều trên thực tế ghi chép của chính sử, chức vị của Vân về quân sự không phải rất cao. Từ đó mới nảy sinh những nghi hoặc cùng tranh luận về tài năng của Vân khi so sánh với Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu, Hoàng Trung hay thậm chí cả Nguỵ Diên.
Quan điểm cho rằng Triệu Vân không được giữ chức vụ cao là vì lí do chính trị đúng nhưng chắc chắn là chưa đủ. Ít nhất, nó không lý giải được, tại sao sau khi Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu, Hoàng Trung chết, Triệu Vân vẫn không được nắm giữ những chức vụ cao hơn.

Có thể Triệu Vân không được phong võ tướng bậc cao vì ông ta là chính khách ẩn hình chuyên giải quyết những sự vụ trong bóng tối

Chính khách làm tướng quân

Trong Tam Quốc Chí [1], học giả Bùi Tùng Chi khi chú giải Truyện Triệu Vân đã dẫn "Triệu Vân biệt truyện" viết về sự xuất hiện của Triệu Vân ở giai đoạn sơ kỳ Tam Quốc như sau: "... được bản quận suy cử, đem quân nghĩa tòng đến chỗ Công Tôn Toản...". Về giai đoạn đầu chính thức quy thuộc Lưu Bị thì chép là "Tiên Chủ tới chỗ Viên Thiệu, Vân gặp ở huyện Nghiệp. Tiên Chủ cùng Vân ngủ chung giường, mật phái Vân chiêu mộ được mấy trăm người, đều xưng là bộ khúc của Lưu Tả tướng quân, Thiệu không biết được."

Có thể nói lúc Quan, Trương Phi còn là tráng sĩ vô danh thì Triệu Vân đã là một phương cừ soái. Hai người kia từ tướng quân biến thành chính khách còn Vân vốn là chính khách đi làm tướng quân vậy. Lưu Bị rời Tào Tháo, Quan Vũ chém Nhan Lương. Tưởng như thế lực của Lưu Bị sẽ bị nghiền nát trong cuộc phân tranh giành quyền bá chủ vùng Hoa Bắc. Vị chính khách ấy âm thầm xuất hiện, chẳng chém tướng đoạt cờ mà giúp được Lưu Bị mở đường rời khỏi chốn phong ba.

Về giai đoạn ở Kinh Châu, "Triệu Vân biệt truyện" lại chép: "Tiên Chủ vào Ích Châu, Vân lĩnh chức Lưu doanh tư mã. Thời ấy Tôn phu nhân của Tiên Chủ vì là em gái của Quyền nên rất kiêu căng ngang ngược, nhiều lần đem quan binh Đông Ngô tung hoành không phép tắc. Tiên Chủ thấy Vân nghiêm nghị cẩn trọng, tất nắn sửa được, đặc biệt dùng làm người chưởng quản nội sự".

Đoạn tư liệu này không chỉ nhấn mạnh cái căn cốt làm chính khách trước khi làm tướng lĩnh của Triệu Vân mà còn mở ra một giai đoạn hợp tác và xung đột giữa Triệu Vân với Gia Cát Lượng. Một người là chính khách võ tướng chưởng quản nội sự chịu trách nhiệm khắc chế người Ngô ở Kinh Châu. Một người là văn thần mưu sĩ, kiến trúc sư chủ đạo của kế sách liên Tôn kháng Tào. Sự thật ra sao đã bị tấm màn thời gian che phủ. Người hữu tâm chỉ có thể thầm tự hỏi: Tại sao cùng được giao nhiệm vụ lưu thủ đại doanh, nhưng "Triệu Vân biệt truyện" khi nói về việc Vân phá được âm mưu bắt cóc Hậu Chủ của Đông Ngô chỉ kể rằng Vân hợp tác với Trương Phi chứ không hề nêu tên Gia Cát Lượng!



Triệu Vân –chính khách ẩn mình

Khi Lưu Bị mới chiếm được Ích Châu đã xảy ra câu chuyện Triệu Vân ngăn cản việc chia đất cho tướng sĩ tòng chinh. Nguyên văn được “Triệu Vân biệt truyện” chép như sau:

“Ích châu đã định, bấy giờ có người bàn nên lấy nhà cửa ở Thành Đô cùng những đất đai vườn tược quanh đó ban cho chư tướng. Vân bác đi nói rằng: “Xưa kia Hoắc Khứ Bệnh từng nói rằng Hung Nô chưa bị diệt, sao nghĩ đến việc nhà, nay quốc tặc chẳng phải chỉ như Hung Nô, chưa thể cầu an được vậy. Nên để lúc thiên hạ yên định, mọi người đều trở về quê, cầy cấy nơi ruộng cũ, việc ấy mới nên làm. Nay dân chúng Ích châu, mới mắc nạn binh đao, nhà cửa ruộng vườn rất nên trả về cho họ, để dân được an cư lạc nghiệp, sau này mới có binh lương quân dịch, như thế dân sẽ hoan hỉ vui mừng vậy.” Tiên chủ liền nghe theo.”

Đây giống hệt như phát biểu của một chính khách chứ không phải là suy nghĩ của một đại tướng cầm quân. Thú vị là ở chỗ, đa phần đánh giá đều cho rằng Triệu Vân vì dân vì nước. Suy nghĩ này e rằng hơi đơn giản.

Lưu Bị nổi tiếng nhân nghĩa và dù có không nhân nghĩa đi chăng nữa thì cũng không đến nỗi kém cỏi để bắt đầu quá trình cai trị của mình bằng một hoạt động vừa thất nhân tâm vừa tàn hại cho kinh tế. Huống hồ dân thường thì có bao nhiêu đất ở Thành Đô? Chiếm đất của dân thì được bao nhiêu mà chiếm?

Người đọc Tam Quốc ai cũng biết nền tảng quyền lực của hai cha con Lưu Yên - Lưu Chương ở Ích Châu được xây dựng trên cơ sở hai hệ phái là Đông Châu Sĩ (giới sĩ tộc cùng Lưu Yên vào Xuyên nhậm chức) và Ba Thục bản thổ hệ (thế tộc định cư lâu đời ở Thục Trung). Hai hệ phái này vừa tranh đấu vừa cấu kết với nhau làm băng hoại đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ở Ích Châu. Đồng thời chặt đứt không gian sinh tồn của các hệ phái khác. Các hệ phái bị chèn ép này, với đại diện là Trương Tùng, Pháp Chính, Mạnh Đạt, Bành Dạng cố đi tìm một minh chủ khác để phân chia lại bàn cờ lợi ích. Đó là tiền đề để Lưu Bị tiến vào đất Thục.

Chiếm được đất rồi, Lưu Bị phản bội lại lợi ích của những người này. Ngoài Trương Tùng đã chết, Mạnh Đạt bị đẩy ra Thượng Dung dưới sự quản chế của Lưu Phong. Bành Dạng bị bỏ lơ. Pháp Chính tuy giữ chức cao nhưng lại được khuyến khích trả thù báo oán để trở thành cô thần không phe cánh. Đồng thời Lưu Bị phát ra tín hiệu hoà giải với nhân sĩ Đông Châu cũng như thế tộc bản địa. Ông ta cưới em gái Ngô Ý, trọng dụng Hoàng Quyền, phong chức hàng loạt cho Lý Nghiêm, Phí Quan, Đổng Hoà. Và thỏa hiệp có ý nghĩa sâu rộng nhất là giữ nguyên tài sản quyền lợi của họ. Thỏa hiệp này do Triệu Vân đề xuất khi ngăn cản việc chia đất ở Thành Đô!

Ý nghĩa của thỏa hiệp này là nó công khai cho phép người chiến bại giữ vững cái quyền sở hữu tư liệu sản xuất, năng lực sản xuất, qua đó tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế và can dự vào sinh hoạt chính trị (với ảnh hưởng nhỏ hơn, gián tiếp hơn thời kỳ Lưu Chương) của Ích Châu.
Thỏa hiệp này không chỉ xoa dịu mâu thuẫn xã hội, nhanh chóng khôi phục kinh tế mà còn tạo ra thế cân bằng vi diệu giữa các thế lực trong tập đoàn Lưu Bị.Vô hình trung, cũng có nhiều người chịu thiệt,trong đó có hệ phái Kinh Châu do Gia Cát Lượng đứng đầu và ở một nghĩa nào đó, cả Triệu Vân. Tất nhiên rồi, xúc phạm lợi ích của một số người chưa kể, chỉ riêng việc làm trung gian đàm phán hoà giải, nắm được con tẩy của bao nhiêu phe phái đã đủ khiến Vân không thể giữ chức cao.

Lưu Bị đông chinh. Triệu Vân phản đối. Gia Cát Lượng im lặng. Các nhà bình luận ngày nay thanh minh cho Gia Cát Lượng. Nào là ông ta quá bận với công việc nội chính, nào là ông ta quá tin vào thế lực của Thục quân, nào là ảnh hưởng của ông ta quá nhỏ. Thật ra còn có lí do khác. Các đồng minh chủ chốt của Gia Cát như Mã Lương, Tập Trinh, Bàng Lâm đều là nhân sĩ Kinh Châu. Họ muốn trở về giành lại đất đai cơ nghiệp tổ tiên truyền lại. Gia Cát Lượng ra mặt phản đối có khác gì tự sát đâu. Triệu Vân giơ tay phản đối, dù với động cơ gì thì cũng là thêm một lần đắc tội với phái Kinh Châu.



Kết

Tóm lại, rất có thể Triệu Vân không được phong võ tướng bậc cao vì ông ta là chính khách. Một chính khách ẩn hình chuyên giải quyết những sự vụ trong bóng tối, những cò kè thỏa hiệp nặng về lợi ích giữa các phe...

Lưu Bị có được “ngũ hổ tướng”chẳng khác nào như “rồng thêm cánh”, nhờ đó tạo lập nên nhà Thục Hán với nhiều chiến tích lẫy lừng về mặt quân sự. Nhưng người ở đằng sau màn trướng, trù mưu lập kế cho ông ta cũng không kém phần quan trọng. Lưu Bị từng xem việc có được quân sư Gia Cát Lượng như là “cá gặp nước” để thỏa chí vẫy vùng. Trong chính sử, mối quan hệ giữa cặp “quân thần cá nước” này là như thế nào?

Đón xem: Thực hư chuyện Lưu Bị nghi kỵ Gia Cát Lượng?
...................
Chú thích và tham khảo:  [1] Tam Quốc Chí (NXB Văn học 2016, Bùi Thông dịch, Phạm Thành Long hiệu đính).
TQDN