Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2016

Giải mã Tam quốc: Lưu Bị - Đằng sau nhân nghĩa

Lưu Bị là người thế nào? Lẽ nào Thục chủ chỉ là một kẻ văn dốt võ nát, dùng nước mắt lập nghiệp như người đời vẫn nói? Tính cách và tài năng Lưu Bị ra sao, để có thể từ hai bàn tay trắng mà chia ba thiên hạ, từ một gã đan giày dệt chiếu trở thành bá chủ một phương?


Tạo hình nhân vật Lưu Bị trên phim ảnh.


Người đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa có lẽ không ai không biết cụm từ “ủng Lưu phản Tào”. Bốn chữ đó song hành cùng tác phẩm suốt nhiều năm, khiến bao thế hệ độc giả tin rằng tác giả La Quán Trung thiên vị phe Thục và tung hô Thục chủ Lưu Bị đến tận trời.
Thế nhưng La Quán Trung có thật sự “ủng Lưu”? Sau khi đọc xong tác phẩm, nhân vật Lưu Bị còn đọng lại gì ngoài hai từ “nhân nghĩa”?

Đằng sau nhân nghĩa

Theo dòng chảy của thời gian cùng sự tiến bộ trong nhận thức, hầu như những ca ngợi sách vở mà tác giả Tam Quốc Diễn Nghĩa cố tình đắp lên mặt Lưu Bị cũng dần dần bị bôi xóa, không chỉ bằng một số hành động “binh bất yếm trá” của ông ta được kể rõ ràng ngay trong tác phẩm, mà còn bởi: Kẻ cướp đất giết người tranh thiên hạ, sao có thể gọi là nhân nghĩa?

Tam Quốc Chí là pho chính sử về thời Tam Quốc, do Trần Thọ biên và Bùi Tùng Chi chú giải. Đây được coi là cơ sở dữ liệu lịch sử để La Quán Trung viết Tam Quốc Diễn Nghĩa – bộ tiểu thuyết chương hồi lừng lẫy, một trong Tứ đại danh tác Trung Hoa cổ.

Nếu không nhân nghĩa, Lưu Bị còn khả năng gì? Hay chỉ là một kẻ văn dốt võ nát, dùng nước mắt lập nghiệp như người đời vẫn nói? Đại tướng không sợ trời đất như Quan Vũ – Trương Phi lý nào lại hết mực tôn sùng một kẻ nhu nhược vô năng? Hiền tài ngạo thị quần hùng như Ngọa Long – Phụng Sồ, lý nào lại cam tâm phò tá một kẻ chỉ biết chạy và khóc?

Khúc mắc đó sẽ mãi không có lời giải, con người thật của Lưu Bị vẫn sẽ chìm trong bóng tối, nếu không có bộ sử kí Tam Quốc Chí. Không còn những thêu dệt, không còn những “tung hô”, không còn những chấm phá ảo diệu để tạo nên một nhân vật tiểu thuyết đầy nhân nghĩa, Lưu Bị của Tam Quốc Chí mới chân chính là kẻ kiêu hùng đội trời đạp đất, khiến đối thủ mạnh nhất của mình cũng phải bật ra lời khen ngợi: “Anh hùng trong thiên hạ, chỉ có Lưu Bị và Tào Tháo mà thôi”.

Vậy rốt cuộc, Lưu Bị là người thế nào? Tính cách, tài năng ông ta ra sao, để có thể từ hai bàn tay trắng mà chia ba thiên hạ, từ một gã đan giày dệt chiếu trở thành bá chủ một phương?

Trầm tĩnh, hào hiệp

Những câu đầu Tam Quốc Diễn Nghĩa có đề cập đến khía cạnh trầm tĩnh của Lưu Bị: “Ít nói, mừng giận không hề lộ ra mặt”. Nhưng những tình tiết sau đó lại như một cú đấm thẳng tay vào vẻ mặt lạnh lùng vốn có của Lưu Bị khi kể rằng ông ta gặp chuyện gì cũng khóc: chia tay Triệu Vân – khóc, chia tay Từ Thứ – khóc, gặp Khổng Minh – khóc, bị Tào Tháo rượt – cũng khóc…

Thực tế, đoạn về Triệu Vân, có thể tìm thấy trong Vân Biệt truyện (Tam Quốc Chí): “Tiên chủ biết Vân không trở lại, nắm chặt tay không nỡ rời xa” [1].

Hành động đó thể hiện sự quý trọng nhân tài, hoặc tình cảm với bằng hữu, thân thiết nhưng mạnh mẽ, chứ không hề có chút yếu đuổi ủy mị nào như Tam Quốc Diễn Nghĩa miêu tả.

Hay như lúc thỉnh Gia Cát Lượng xuất sơn, sau khi nghe Ngọa Long trình bày xong Long Trung Đối, Lưu Bị chỉ khen “Hay!”, tuyệt không thấy hành động dập đầu lạy lục khóc lóc ỉ ôi gì như trong truyện.

Tương tự đối với những tình huống khác, Lưu Bị hiếm khi khóc, mà cũng ít khi cười. Thường thì kiểu người lầm lì như vậy sẽ ít có bạn bè, nhưng Lưu Bị lại khác, ngày từ thời niên thiếu ông ta đã “được nhiều người trẻ tuổi vây quanh”. Nguyên nhân do đâu?

Đầu tiên, là bởi tác phong hành hiệp trượng nghĩa của Lưu Bị. Điển lược chép: “Thời ấy dân chúng gặp năm mất mùa đói kém, tụ tập nhau đi cướp bóc. Bị bên ngoài phòng ngừa giặc cướp, bên trong rộng rãi giúp đỡ tiền của, từ binh sĩ tới thủ hạ, đều cho ngồi cùng chiếu, ăn cùng mâm, chẳng phân biệt gì cả. Bởi thế người theo về rất đông”.

Lý do thứ hai, có lẽ phải kể đến một câu trong Điển lược (Tam Quốc Chí): “Người ở Bình Nguyên là Lưu Tử Bình biết Lưu Bị mạnh bạo lại có uy”. Lưu Bị vốn ở Trác Quận, thế mà tên tuổi lan đến tận Bình Nguyên, chứng tỏ sự uy dũng của ông ta đã nổi tiếng khắp làng trên xóm dưới, chứ chẳng phải chỉ người trong nhà biết với nhau.

Dũng mãnh, quyết đoán

Điều này nghe có vẻ trái ngược với ấn tượng lâu nay về Lưu Bị trong lòng người đọc, nhưng sự thật là như vậy.

Lưu Bị mạnh bạo ra sao? Ngay ở giai đoạn ông ta mới khởi binh, chưa có nhiều chiến tích, Tam Quốc Chí có một chi tiết đáng chú ý thế này: “Viên quan Đốc bưu nhân việc công đến huyện, Tiên Chủ xin vào yết kiến, không được, liền xông thẳng vào trói cổ viên Đốc Bưu lại, đánh cho hai trăm trượng”. Tam Quốc Diễn Nghĩa đem việc này đổ cho Trương Phi, bảo rằng Phi say rượu nên đánh, mà đây Lưu Bị trong tình trạng tỉnh táo lại hành động như thế, chứng tỏ ông ta còn “võ phu” hơn cả Trương Phi.

Việc đánh Đốc bưu có thể là bộc phát nhất thời không kiềm chế được, sau khi ý thức được mình gây hậu quả nghiêm trọng, Lưu Bị lập tức bỏ quan trốn đi. Điều này cũng góp phần thể hiện một khía cạnh khác của ông ta: Quyết đoán!

Lưu Bị quyết đoán? Nghe có vẻ vô lý, Lưu Bị trong Tam Quốc Diễn Nghĩa rõ ràng là kẻ hay do dự không quyết, để lỡ thời cơ kia mà?

Nhưng nếu cái gọi là “thời cơ” kia, thật ra lại vô cùng bất lợi, những do dự kia, thật ra là nước cờ chính trị, thì sao?

Do dự của Lưu Bị thể hiện lúc nào? Có phải là khi từ chối Từ Châu, không lấy Kinh Châu, lưỡng lự Ích Châu? Nếu chỉ đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa, e rằng đa số độc giả đều sẽ gật đầu. Bởi những rắc rối chính trị và quân sự xoay  quanh các vùng đất quan trọng này không được kể rõ trong truyện, và chỉ có thể tìm hiểu được thực chất vấn đề nhờ Tam Quốc Chí.

Qua nhiều năm, với hàng trăm cuộc tranh luận nảy lửa trên khắp các diễn đàn Tam Quốc, có lẽ bạn đọc cũng đã hiểu được phần nào nguyên nhân thật sự đằng sau những trù trừ có vẻ cảm tính của Lưu Bị, cũng như mấy lần ông ta kiên quyết phản đối lời khuyên công thành đoạt đất của các vị quân sư.
Không những vậy, Tam Quốc Chí – Pháp Chính truyện còn kể rằng: Khi giao chiến với Tào Tháo ở Hán Trung, Lưu Bị ở vào thế bất lợi nhưng nhất định không chịu lùi về, chẳng ai dám can, chỉ có Pháp Chính liều mạng xông lên chắn trước Lưu Bị, dùng khổ nhục kế bức bách, Bị mới chịu nghe theo.

Bởi Lưu Bị vốn dĩ là một người quyết đoán đến cố chấp như thế, nên không có gì lạ khi không ai có thể ngăn cản ông ta một mực Đông chinh.

Nhưng tiếc thay, lần đánh Ngô đó, Lưu Bị đại bại. Trận thua này khiến nhiều người cho rằng ông ta bất tài vô dụng. Vì ít ai biết rằng, những chiến tích trước đó của Lưu Bị đa phần đã bị Tam Quốc Diễn Nghĩa gán cho người khác, hoặc làm mờ nhạt đi bằng vài dòng đơn giản. Đến khi đọc Tam Quốc Chí, người ta mới bất ngờ nhìn thấy một diện mạo khác của Lưu Bị: Dũng mãnh mưu lược, văn võ song toàn.

Đón xem kỳ tới: Lưu Bị dũng mưu gồm đủ, văn võ song toàn?

.........................................
Chú thích và tham khảo: [1] Tam Quốc Chí – Thục thư – Triệu Vân truyện (NXB Văn học 2016, Bùi Thông dịch, Phạm Thành Long hiệu đính).
OB Ben

0 nhận xét:

Đăng nhận xét