Thứ Năm, 7 tháng 7, 2016

Giải mã Tam quốc: 'Ngũ hổ tướng' nhà Thục Hán trong chính sử

Quan Vũ, Trương Phi, Hoàng Trung, Mã Siêu, Triệu Vân là 5 trong số những chiến tướng được yêu thích nhất trong Tam Quốc Diễn Nghĩa. Nhưng trong chính sử, liệu có tồn tại cái gọi là "Ngũ hổ tướng" của nhà Thục Hán?  



Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu, Hoàng Trung lần lượt là Tiền, Hữu, Tả Hậu Tướng Quân,Triệu Vân chỉ là Dực Quân Tướng Quân.




“Ngũ hổ tướng” của nhà Thục Hán là một trong những hình tượng được yêu thích nhất trong Tam Quốc Diễn Nghĩa. Biết bao thế hệ đọc Tam Quốc đã đam mê hình ảnh những chiến tướng vô địch: Quan Vũ uy mãnh lại kiêu ngạo; Trương Phi nóng nảy nhưng thật thà; Hoàng Trung tuy già mà không lão; Mã Siêu uy áp cả Tào Tháo; Triệu Vân trung hậu quả cảm, trĩ dũng song toàn.


Vậy giữa năm người này ai cao ai thấp? Thục chủ Lưu Bị đã phân phong cho họ ra sao?
Thực tế không hề có cái gọi là “Ngũ hổ tướng”, chỉ có Tiền-Hậu-Tả-Hữu Tướng Quân. La Quán Trung kể rằng, sau khi lên ngôi Hán Trung Vương, Lưu Bị “phong cho Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu, Hoàng Trung làm Ngũ hổ đại tướng quân”.

Tuy nhiên, theo bộ sử Tam Quốc Chí [1] cũng như nhiều sử liệu khác, lại không hề có chi tiết này. “Ngũ hổ tướng” do vậy chỉ là một sự hư cấu của Tam Quốc Diễn Nghĩa. Vậy trong thực tế, phẩm hàm của những tướng lãnh chủ chốt trong quân đội Thục Hán được phân phong như thế nào?
Sự thật là sau khi xưng Hán Trung Vương, Lưu Bị phong cho Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu, Hoàng Trung lần lượt là Tiền Tướng Quân, Hữu Tướng Quân, Tả Tướng Quân, Hậu Tướng Quân. Trong khi đó Triệu Vân chỉ được phong là Dực Quân Tướng Quân.

Thực tế không hề có cái gọi là “Ngũ hổ tướng”, chỉ có Tiền-Hậu-Tả-Hữu Tướng Quân.
Theo quân chế cuối thời Đông Hán, Tiền -Hậu-Tả-Hữu Tướng Quân là cấp bậc chỉ ở dưới bậc Đại Tướng Quân - Xa Kỵ Tướng Quân - Phiêu Kỵ Tướng Quân; và ở trên bậc Chinh Lỗ - Bình Nam - Đãng Khấu – Thảo Nghịch… Tướng Quân. Lưu Bị và Lữ Bố đều từng được triều đình phong là Tả Tướng Quân, Viên Thuật từng là Hậu Tướng Quân.

Có thể thấy, phẩm hàm của Quan – Trương – Mã – Hoàng đã là khá cao, trong khi đó hàm Dực Quân Tướng Quân của Triệu Vân –nói như sử gia Lê Đông Phương thì đây là một loại danh hiệu tướng quân “không theo chương pháp gì” [2]. Tại sao lại có chuyện kỳ lạ như vậy?

Lí do chính trị phía sau chuyện phong hàm

Cả Tam Quốc Diễn Nghĩa lẫn Tam Quốc Chí đều không chút gì che giấu tài năng, công lao và lòng trung thành của Triệu Vân, lại càng không che giấu lòng yêu tài của Lưu Huyền Đức dành cho Triệu Tử Long. Chuyện quân hàm của Triệu Vân thấp hơn Quan – Trương – Mã – Hoàng, vì thế ắt phải ẩn giấu chỗ khó xử của Lưu Bị, ở đây chính là vấn đề cơ cấu nhân sự phải phù hợp với mục tiêu chính trị.

Trước khi Lưu Bị được quần thần tôn lên làm Hán Trung Vương, Quan Vũ đang là Đãng Khấu Tướng Quân, Trương Phi đang là Chinh Lỗ Tướng Quân, Mã Siêu khi ấy là Bình Tây Tướng Quân, còn Hoàng Trung là Chinh Tây Tướng Quân.

Lưu Bị xưng vương xong, bốn người này đều được thăng một cấp, chính là Tiền - Hậu - Tả - Hữu Tướng Quân. Cấp Tiền-Hậu-Tả-Hữu Tướng Quân chỉ có 4 chỗ mà danh tướng lại đến 5 người, người nhận phần thiệt thòi dù công lao hãn mã chính là Triệu Vân. Tại sao lại là Triệu Vân? Ở đây phải nói tới xuất thân của bốn người Quan – Trương –Mã – Hoàng.

Huynh đệ và hàng tướng

Quan – Trương thì không cần phải nói nhiều. Họ là anh em kết nghĩa với Hán Trung Vương. Tam Quốc Chí không nói đến chuyện “Đào viên kết nghĩa”, nhưng “Trương Phi truyện”cho biết Quan Vũ và Trương Phi vốn đã kết nghĩa huynh đệ, “Lưu Diệp truyện”lại trích một lời bàn của Lưu Diệp rằng “Vũ cùng với Bị, nghĩa là quân thần, ân tình còn hơn cả cha con”. Quan Vũ truyện còn kể rằng “Tiên chủ (Lưu Bị) cùng với hai người ngủ cùng giường, tình thân thiết như huynh đệ”.

Thân thiết như vậy nhưng công lao của hai người này cũng không hề tầm thường. Quan Vũ chém được đại tướng Nhan Lương, từng được triều đình của Hán đế phong là Thiên Tướng Quân, Hán Thọ Đình Hầu; sau lại cùng Lưu Bị cự Tào Tháo tại Xích Bích, thu phục Kinh Nam, làm Thái thú Tương Dương, sau trấn giữ Kinh Châu. Trương Phi đoạn hậu tại Đương Dương Trường Bản, giữ chức Thái thú Nghi Đô, sau đó vào Xuyên thu phục Nghiêm Nhan ở Ba quận, bình định Thành Đô, đại phá Trương Cáp, chiếm lĩnh Hán Trung, công tích vang dội. Đối với Lưu Bị, hai người này thuộc dạng “không thể không thăng chức”.

Nếu như Quan – Trương là anh em thân thiết của Hán Trung Vương, thì Mã Siêu – Hoàng Trung lại là hai hàng tướng mà Lưu Bị phải hết lòng phủ dụ.

Hoàng Trung là chiến tướng lâu năm, kinh nghiệm lão thành, về mặt tài năng không có gì phải bàn cãi. Ở mặt trận Ích Châu, ông ta “đi đầu xung trận, dũng cảm, cương nghị trùm ba quân” [3]. Tại Hán Trung, thậm chí ông ta còn đích thân chém được đại tướng Hạ Hầu Uyên tại Định Quân Sơn, cũng bằng thứ dũng khí “chỉ tiến không lùi”, qua đó“khuyến khích sĩ tốt” phá được đội quân Tào vốn được đánh giá là “rất tinh nhuệ” [3].

Ngoài ra, việc Hoàng Trung liên tục được tấn cấp (Thảo Lỗ Tướng Quân – Chinh Tây Tướng Quân – Hậu Tướng Quân) trong khi thời gian cống hiến cho quân đội Thục Hán chưa nhiều là một tín hiệu cho thấy Lưu Bị sẵn lòng trọng dụng và đề bạt nhân tài Kinh Châu. Điều này sẽ có lợi cho Lưu Bị trong thời điểm Kinh Châu bị giằng co giữa ba bên Ngụy Thục Ngô.

Nếu Hoàng Trung được đề bạt làm Hậu Tướng Quân là để thể hiện một loại thái độ yêu chuộng nhân tài, thì lí do Mã Siêu được phong làm Tả Tướng Quân (quân hàm trước đó của chính Lưu Bị) lại liên quan nhiều đến chính trị

Là một trong những lực lượng chống Tào mãnh liệt nhất, Mã Siêu còn là hậu duệ của Phục Ba Tướng Quân Mã Viện (một trong những danh tướng trợ giúp Hán Quang Vũ đế lập ra nhà Đông Hán). Thu Mã Siêu về dưới trướng đồng nghĩa với việc Lưu Bị có thêm một đại diện trung thành của Hán thất trong cuộc chiến mà về mặt danh nghĩa là “kính tuân mệnh trời, đánh kẻ có tội” (ở đây là Tào Tháo).

Nếu như Quan – Trương là anh em thân thiết của Hán Trung Vương, thì Mã Siêu – Hoàng Trung lại là hai hàng tướng mà Lưu Bị phải hết lòng phủ dụ.



Có một chi tiết rất đáng chú ý mà Tam Quốc Chí ghi lại, đó là trong bản tấu mà quần thần Thục Hán xin Hán đế phong cho Lưu Bị làm Hán Trung Vương, thì tên của Bình Tây Tướng Quân, Đô Đình Hầu Mã Siêu đứng đầu, xếp trên cả Gia Cát Lượng, Quan Vũ, Trương Phi (Triệu Vân không có tên). Bản thân chi tiết này đã cho thấy sức nặng về danh tiếng của Mã Siêu. Do đó, xét đến sự phù hợp với cương lĩnh chính trị, Mã Siêu cũng thuộc dạng “không thể không phong”.

Kẻ chịu thiệt thòi

Xét đi xét lại, Lưu Bị cũng đành tạo ra một phẩm hàm “không theo chương pháp” để phong thưởng Triệu Vân, dẫu rằng trong các tướng lĩnh Thục Hán, chưa có ai được Lưu Huyền Đức dành cho nhiều mỹ từ như Triệu Vân cả. Mà có khi, với Triệu Tử Long, “hổ oai” hay “toàn thân là đảm” mới là lời công nhận xứng đáng nhất, chứ không phải là một phẩm hàm.

Quan điểm cho rằng Triệu Vân không được giữ chức vụ cao là vì lí do chính trị đúng nhưng chắc chắn là chưa đủ. Ít nhất, nó không lý giải được, tại sao sau khi Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu, Hoàng Trung chết, Triệu Vân vẫn không được nắm giữ những chức vụ cao hơn.Liệu còn có nguyên nhân nào khác?

Đón xem: Thay một chữ khiến Tào Tháo thành gian hùng cả đời .
.................................
Chú thích và tham khảo:
[1] Tam Quốc Chí (NXB Văn học 2016, Bùi Thông dịch, Phạm Thành Long hiệu đính).
[2] Kể chuyện Tam Quốc (NXB Đà Nẵng 2007, Lê Đông Phương).
[3] Tam Quốc Chí – Hoàng Trung truyện (NXB Văn học 2016, Bùi Thông dịch, Phạm Thành Long hiệu đính).
Nguyễn Đỗ Thuyên

0 nhận xét:

Đăng nhận xét