Trong "Tam Quốc Chí", tác giả Trần Thọ nhiều lần khen ngợi Chu Du là bậc "anh tuyển dị tài", "nhân tài phò vương", thậm chí còn coi ông là vị "anh tài văn võ thao lược trong vạn người".
Đối với nhân vật được biết tới là "thiên hạ đệ nhất nam tử Giang Đông" này, Trần Thọ hết lời ca tụng: "Trong chính trị thì có tầm nhìn xa trông rộng, trung thành, tận tâm, trong quân sự lại đảm lược hơn người, trí dũng song toàn, nhân cách tốt đẹp..."
Từ đó, có thể thấy bản thân Chu Du là một nhân vật xứng danh anh hùng trong lịch sử Trung Hoa. Vậy nhưng, theo thời gian, hình tượng của nhân vật này trong mắt hậu thế lại bị biến đổi và bóp méo tới mức khó tin.
Đâu là nguyên nhân khiến danh tướng này phải chịu nỗi oan "trời không thấu, đất không hay" ấy?
Từ một bậc hùng tài đại lược…
Chu Du (175 – 210), tự là Công Cẩn, sinh ra và lớn lên tại huyện Thư, quận Lư Giang, thuộc vùng Hoài Nam của Trung Nguyên, rất gần với đất Ngô – Việt (ngày nay là Thư Thành, An Huy, Trung Quốc).
Sinh thời, ông là tướng lĩnh cốt cán của nhà Đông Ngô vào những năm cuối thời Đông Hán. Sở hữu tài năng quân sự kiệt xuất cùng lòng kiên trung, Chu Du trở thành một trong những khai quốc công thần của nước Đông Ngô thời Tam Quốc.
Không chỉ "tuổi trẻ tài cao", danh tướng họ Chu này còn sở hữu tướng mạo hơn người, thân hình cao lớn, lại tinh thông âm luật, tâm hồn khoáng đạt.
Sở hữu ngoại hình tuấn mỹ cùng tài năng kiệt xuất, Chu Du từng được mệnh danh là "đệ nhất nam tử Giang Đông". Ảnh lấy từ phim "Đại chiến Xích Bích"..
Viết về danh tướng tài ba ấy, "Tam Quốc chí" từng ghi chép: "Chu Du tiến cử người tài có thể ngang với Bảo Thúc Nha, lấy lễ vì nước có thể sánh với Lận Tương Như, còn khiêm lễ, trung quân thì không ai có thể so được.
Độ lượng, cao thượng, biết dùng người, một lòng phò tá quân vương, đối với Hoàng đế trẻ tuổi thì cực kỳ tôn kính, đối với các bậc tiền bối cũng hết sức kính cẩn."
Về chuyện "kính trên nhường dưới", chính sử vẫn ghi chép lại cố sự giữa Chu Du và Trình Phổ. Năm xưa, Chu Du mặc dù trẻ tuổi, nhưng chức vị lại được Tôn Quyền đặt trên lão tướng Trình Phổ.
Phổ vốn không bằng lòng, nhưng lại được Chu Du "cảm hóa" bằng tài năng, sự khiêm nhường và kính cẩn của mình. Bởi vậy, vị lão tướng này khi nhắc tới Chu Du đã từng nói: "Giao du với Chu Công Cẩn như uống rượu ngọt, sau lúc nào cũng không biết!"
Không chỉ vậy, bản thân Chu Du còn là người rất tài hoa, tinh thông âm nhạc. Ngay cả khi "rượu đã tam tuần" (ngà ngà say), ông vẫn dễ dàng nhận ra nốt nhạc đánh sai trong dàn nhạc của cung đình.
Cảm phục trước tài thẩm âm của Chu Du, người đương thời mới truyền tai nhau câu nói: "khúc hữu ngộ, Chu Lang cố" (khi nốt nhạc đánh sai, Chu Lang liền ngó về phía đó) - Tranh minh họa.
Về mặt quân sự, Chu Du xứng đáng với danh hiệu "khai quốc công thần" của nhà Đông Ngô.
Sau khi lập nên cơ nghiệp ở vùng Giang Đông, Chu Du càng được Tôn Sách tín nhiệm bội phần. Tới khi Sách không may bỏ mạng, vị danh tướng này lại tiếp tục phò tá thế tử Tôn Quyền lên ngôi, đồng thời chấp chính việc đại sự, quân chính.
Lúc bấy giờ, Tào Tháo đã diệt được Viên Thiệu, liền ép Tôn Quyền đưa con ruột ra làm con tin. Chu Du có tầm nhìn xa trông rộng, khuyên Tôn Quyền không nghe theo Tào Tháo.
Khi đại chiến Xích Bích nổ ra, Chu Du kiên quyết nêu cao chủ trương gắng sức kháng Tào. Nhờ nắm được điểm yếu của phe địch, lại hiểu rõ lợi thế của quân ta, Du đã chỉ huy đại quân Đông Ngô đánh tan quân Tào, trở thành một trong những đại công thần trong trận chiến lừng danh ấy.
Tiếp đó, quân của Chu Du tấn công Kinh Châu, chiếm được vị trí chiến lược là Nam Quận, quân Tào liên tục tháo chạy.
Chu Du trong lịch sử vốn là một danh tướng nổi tiếng với tầm nhìn xa trông rộng và tài cầm quân thao lược hiếm có.
Sau đại chiến Xích Bích, Chu Du đề xuất với Tôn Quyền mang binh đi chiếm đất Thục, tiêu diệt Trương Lỗ, thu phục Lưu Chương, cùng Táo Tháo tranh thiên hạ. Những bước đi được tính toán chu toàn ấy đã phần nào thể hiện được tầm nhìn xa trông rộng của vị tướng tài ba này.
Tiếc thay, trong khi chuẩn bị cho chiến sự tại Giang Lăng, Chu Du đột ngột qua đời vì bệnh tật khi mới 35 tuổi.
Mất đi một tướng tài, Tôn Quyền lòng đau như cắt, khóc rống mà than rằng: "Công Cẩn có tài phò vương, nay lại đoản mệnh mà chết, sau này ta biết trông cậy vào ai?"
Sau khi xưng đế, Tôn Quyền vẫn nhớ mãi công lao của vị khai quốc công thần Chu Du, từng đối với quần thần mà ca ngợi: "Không có Công Cẩn, ta làm sao có thể xưng đế?"
Thế nên, sau cái chết của Chu Du, sự nghiệp "tranh thiên hạ" của Đông Ngô nhanh chóng tan thành mây khói. Từ một thế lực đáng gờm, tập đoàn chính trị này lại trở nên an phận thủ thường, dậm chân tại chỗ ở một phương.
Từ đó, ta càng thấy rõ vai trò và công lao không thể thay thế của Chu Du đối với đại nghiệp Đông Ngô.
… đến tấn bi kịch bị hậu thế "dìm hàng" không thương tiếc
Vậy mới thấy, một nhân vật lịch sử như Chu Du vốn là người không thể chê bai về phẩm cách, lại văn võ toàn tài, vẻ ngoài tuấn mỹ, nội tâm phong phú. Danh tướng ấy hoàn toàn xứng đáng được hậu thế ca ngợi như một hình tượng thập toàn thập mỹ.
Thế nhưng, càng về những triều đại sau đó, hình tượng của Chu Du càng trở nên méo mó, biến dị, thậm chí khác xa một trời một vực so với nguyên mẫu.
Vào thời Đông Tấn, "vận rủi" của Chu Du rốt cuộc đã tới. Để bảo vệ địa vị và ngôi báu của mình, giai cấp thống trị lúc bấy giờ bắt đầu bóp méo hình tượng của "đệ nhất nam tử Giang Đông" Chu Du.
Họ lựa chọn nhà Thục Hán làm "dòng chính thống", bắt đầu nhận định Chu Du là "kẻ tiểu nhân". Trong đó, tiêu biểu nhất phải kể tới tác phẩm "Hán Tấn Xuân Thu".
Từ đó đến mấy trăm năm trở về sau, Thục – Ngụy tranh nhau làm "dòng chính thống". Đến thời nhà Đường, những quan điểm khác nhau về các nhân vật lịch sử này cũng bắt đầu xuất hiện phổ biến trong thơ ca.
Là một "nạn nhân" của hậu thế, khí chất anh hùng và mọi phẩm cách đáng quý của Chu Du đã bị dư luận "bóp méo" không thương tiếc! (ảnh trong phim "Tân Tam Quốc diễn nghĩa 2010").
Không chỉ dừng lại ở các tác phẩm văn chương, hình tượng Chu Du được lưu truyền trong dân gian lại thảm hại hơn nữa.
Không lâu sau khi thời Tam Quốc chấm dứt, dân gian bắt đầu lưu hành nhiều giai thoại "chẳng biết từ đâu mà có" để bóp méo hình tượng Chu Du.
Tới thời nhà Tống, người vốn được coi là anh hùng đã "xuống dốc không phanh" trong mắt dân chúng.
Cụ thể: Trong chính trị, Du bị "vu cáo" là kẻ tầm nhìn hạn hẹp, vì tư lợi mà bỏ mặc an nguy xã tắc. Trong quân sự, nhìn qua thì có vẻ tài ba, nhưng lại dễ dàng bị kẻ khác đánh bại.
Đối với việc tu dưỡng nhân cách, Chu Du lại bị coi là người "thích tranh việc lớn để giành công to", lòng dạ nhỏ mọn.
Có thể nói, khí chất anh hùng của hình tượng Chu Du hoàn toàn bị bóp méo, thậm chí bị triệt tiêu trong mắt nhìn của đại chúng và dòng văn học dân gian.
Điều này bắt nguồn từ quan niệm "tôn vinh Lưu, cách chức Tào" của tuyệt đại đa số dân chúng thời xưa. Tác phẩm văn học dân gian "Đông Pha chí Lâm" từng miêu tả:
"Nói tới chuyện Tam Quốc, thấy Lưu Huyền Đức(chỉ Lưu Bị) bại, nhiều lần nhíu mi, chảy nước mắt, thấy Tào Tháo bại, lại vô cùng vui vẻ!"
Bách tính bởi vì "tôn vinh Lưu", coi "Thục là vua", nên phe đối lập như Chu Du hiển nhiên không nhận được cảm tình.
"Tam Quốc diễn nghĩa" cũng hạ bệ Chu Du?
Trong tác phẩm nổi tiếng "Tam Quốc diễn nghĩa" của tác giả La Quán Trung, hình tượng của Chu Du tồn tại rất nhiều mâu thuẫn.
Một mặc, La Quán Trung tạo nên một Chu Du kết giao với Tôn Sách, khai phá Giang Đông, sáng lập đại nghiệp, tiến cử Lỗ Túc, lập nhiều công trạng bất hủ. Mặt khác, khi đứng trước khối nhân vật trung tâm là Lưu Bị, Chu Du lại phải tháo chạy khắp nơi, cam chịu cảnh "làm nền".
Câu nói bất hủ "trời đã sinh Du sao còn sinh Lượng" được La Quán Trung gán cho Chu Du trong tác phẩm của mình đã phần nào thể hiện điều đó.
Trên thực tế, đối chiếu với nguyên mẫu lịch sử, ta có thể thấy rõ hình tượng Chu Du trong "Tam Quốc diễn nghĩa" có rất nhiều khác biệt:
Về chuyện Chu Du bị Gia Cát Lượng chọc tức 3 lần: "Tam Quốc diễn nghĩ" có tình tiết Gia Cát Lượng 3 lần chọc tức Chu Du. Việc này khiến cho nhân vật này tức đến nỗi than trời rằng: "Trời sinh Du sao còn sinh Lượng?" rồi chết.
Trong khi đó, chính sử ghi chép, Lưu Bị đánh giá Chu Du là người "độ lượng quảng đại". Một người khí lượng khoan dung như vậy, sao có thể dễ dàng bị "làm cho tức chết"?
Sư việc Chu Du bị Gia Cát Lượng chọc tức đến mức "thổ huyết" rồi hậm hực mà qua đời đều là tình tiết do Tam Quốc diễn nghĩa hư cấu mà thành! (Ảnh: phim " Tân Tam Quốc diễn nghĩa 2010").
Sau này, khi Chu Du qua đời, người đưa ma phúng viếng chính là thuộc hạ cũ là Bàng Thống chứ không phải Gia Cát Lượng.
Về kế sách "thuyền cỏ mượn tên": Trên thực tế, người dùng kế sách này là Tôn Quyền.
Tam Quốc diễn nghĩa miêu tả Chu Du vì đố kỵ Gia Cát Lượng mà "triệt đầu triệt đuôi" hoàn toàn là bịa đặt. Trước đó, cuốn "Tam Quốc chí bình thoại" đã khẳng định diệu kế "mượn tên" là thành quả của Chu Du.
Việc "tiền mất, tật mang": Trong lịch sử, Tôn Quyền thực chất muốn đem em gái gả cho Lưu Bị. Đó đơn thuần là một cuộc hôn nhân chính trị do Tôn Quyền "can tâm tình nguyện" chứ không can hệ tới mưu kế của Chu Du.
"Trí kích Chu Du": Đây hoàn toàn là tình tiết hư cấu của "Tam Quốc diễn nghĩa". Bởi lẽ, bản thân Chu Du là người thuộc phái chủ chiến có thực lực nhất của Đông Ngô. Tôn Quyền vì nghe theo lời khuyên của Du nên mới có Đại chiến Xích Bích.
Về chuyện "mượn gió đông": Đây cũng là một chi tiết không có thật trong lịch sử được Tam Quốc diễn nghĩa hư cấu mà thành. Trên thực tế, khi đó Gia Cát Lượng vẫn chưa tham gia Đại chiến Xích Bích, công lao này hoàn toàn thuộc về Chu Du.
Chu Du trong lịch sử hoàn toàn không phải là chủ nhân của câu nói: "Trời đã sinh Du, sao còn sinh Lượng?" (Tranh minh họa).
Vấn đề Kinh Châu: Quả thật, sau khi Chu Du mất, Lỗ Túc vì "liên Lưu kháng Tào" mà cho Lưu Bị "mượn" Nam Quận thuộc Kinh Châu.
Khi còn sống, Du từng nắm giữ Giang Lăng, Di Lăng làm đường nhập Xuyên, không có chuyện Đông Ngô đánh Tây Thục hay Lưu Bị "mượn" đường. Chỉ sau khi ông qua đời, Lỗ Túc mới chủ trương đem Nam Quận cho Lưu Bị mượn.
Từ đó về sau, Đông Ngô phái Tôn Du phạt Thục đề bị Lưu Bị cản đường. Rất có khả năng, Tam Quốc diễn nghĩa cố tình đảo lộn hai nhật vật Tôn Du và Chu Du.
Thực tế đã chứng minh rằng, ảnh hưởng của chính sử luôn thua xa so với dòng văn học dân gian hay những cuốn thoại bản được bán chạy.
Nhờ việc sở hữu lượng độc giả vô cùng đông đảo, nên từ thời nhà Minh, hình tượng của Chu Du đều lấy từ cuốn tiểu thuyết trứ danh này mà ra.
Chính bởi vậy, câu nói "trời đã sinh Du sao còn sinh Lượng" đã bị hậu thế nhầm tưởng là do Chu Du thốt ra trong suốt hàng trăm năm qua.
Nhận xét về những ảnh hưởng của cuốn sách này tới hình tượng Chu Du, trong bộ "Tướng soái cổ đại Trung Quốc", các tác giả Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Tuyết và Dương Hiệu Xuân có ghi: "Đó là lời lẽ của nhà văn, hoàn toàn không đáng tin cậy!"
Xem tiếp: Giải mã Tam quốc:Vì sao Triệu Tử Long không giữ chức cao ??? - chính khách ẩn mình
theo Trí Thức Trẻ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét