Cốt lõi của "tam phân thiên hạ"
Ngày này, có nhiều ý kiến cho rằng sự sụp đổ của Thục Hán xuất phát từ sự kiện Quan Vũ để mất Kinh Châu về tay Đông Ngô, khiến Thục gần như bị "bế quan tỏa cảng", không còn cách đột phá ra khỏi lãnh thổ của mình.
Sự kiện này có thể coi là điểm mấu chốt trong sự sụp đổ của toàn bộ "Long Trung đối sách" nhằm duy trì thế "tam phân thiên hạ" của Gia Cát Lượng.
Tuy nhiên, có quan điểm nói rằng, sự thất bại thực sự của Khổng Minh đã đến từ trước đó rất lâu, khi ông không thể thuyết phục Lưu Bị đoạt lấy Kinh Châu khi khu vực này còn nằm trong tay Lưu Biểu, chứ chưa sáp nhập vào Đông Ngô.
"Long Trung đối sách" là chiến lược căn bản mà Gia Cát Lượng vạch ra cho Lưu Bị từ khi ông còn ở "lều cỏ". Mục tiêu của chiến lược này là "liên Ngô kháng Tào".
Trong khi đó, Khổng Minh cũng chỉ ra, điều kiện tiên quyết để đạt được mục tiêu nói trên là phải có được Kinh Châu trong tay.
Đương thời, Tào Tháo còn mải bình định phương Bắc, chưa thể xua quân Nam hạ, trong khi Tôn Quyền và Lưu Biểu diễn ra tranh chấp.
Nếu tại thời điểm này, Lưu Bị đoạt lấy Kinh Châu từ tay Biểu thì ông có thể dễ dàng sở hữu một địa bàn độc lập mà không phát sinh vấn đề chủ quyền, dẫn đến xung đột với Đông Ngô như sau này.
Như vậy, với việc Tào Tháo tấn công Giang Đông, sự liên kết của Tôn Quyền và Lưu Bị cũng sẽ được hiện thực hóa trong vai vế bình đẳng hơn.
Ngược lại, trên thực tế, quân đội Lưu Bị đã bị Tào Tháo đè bẹp ở Tân Dã, buộc ông phải cử Khổng Minh làm thuyết khách đến cầu viện Đông Ngô. Về lý thuyết, Lưu Bị luôn ở "chiếu dưới" trong quan hệ đồng minh với Tôn Quyền.
Ngay trong chiến dịch Xích Bích, quân đội chủ đạo đem lại thế thắng cho "liên quân" thực chất cũng là thủy quân của Chu Du.
Qua các điểm này, có thể thấy được ý nghĩa lớn nhất của việc "không bỏ lỡ thời cơ đoạt Kinh Châu" chính là Lưu Bị sẽ được "danh chính ngôn thuận" sử dụng Kinh Châu mà không vấp phải sự chất vấn chủ quyền từ Giang Đông. Có như vậy, "Long Trung đối" mới được thực thi triệt để.
Khi "cơ hội vàng" trôi qua, lịch sử Tam Quốc đã ghi nhận tranh chấp chủ quyền cực lớn giữa Thục và Ngô tại Kinh Châu.
Việc Gia Cát Lượng buộc dựa vào mưu lược để "mượn sức" Đông Ngô đoạt lấy Kinh Tương vô hình trung đã thừa nhận sự góp phần và ăn chia hợp lý của Giang Đông tại khu vực này.
Kinh Châu được Thục tận dụng hiệu quả trong suốt 10 năm trời, nhờ đó thôn tính địa bàn chiến lược thứ 2 là Ích Châu, đủ thấy giá trị địa - chính trị của Kinh Châu không gì thay thế được.
Nhưng mối ẩn họa đối với Thục Hán là sự ổn định khu vực này chỉ là tạm thời. Đông Ngô nhiều lần dùng các biện pháp ngoại giao yêu cầu hoàn trả Kinh Châu, trong khi Khổng Minh chỉ có thể "khất lần" để nuôi dưỡng thực lực với mục đích nuốt trọn được địa bàn này.
Có quan điểm nói rằng điều Khổng Minh lo ngại nhất mà không thể ngăn được chính là Quan Vũ trở thành đại tướng trấn thủ Kinh Châu.
Việc Quan Vũ "đổ thêm dầu vào lửa" dẫn tới xung đột bùng phát và ông để mất Kinh Châu là thực tế, nhưng chỉ là hệ quả cuối cùng của những mâu thuẫn âm ỉ trong suốt 10 năm trời.
Nguyên nhân rất đơn giản, Lưu Bị là phe được lợi và đương nhiên muốn duy trì hiện trạng Kinh Châu, đồng thời "hợp tác hòa bình" với Đông Ngô.
Trong khi đó, Giang Đông là phe chịu thiệt và thậm chí còn bị lợi dụng. Do đó, việc Tôn Quyền phát binh lấy Kinh Châu chỉ là vấn đề thời gian, Thục Hán hy vọng dùng các chính sách ngoại giao để "lần lữa" chỉ là phương án câu giờ, hoàn toàn không xử lý được vấn đề.
Chính vì vậy, có quan điểm bênh vực Quan Vũ nói rằng, việc đoạt lại Kinh Châu từ Thục đã là chiến lược tất yếu của Đông Ngô, cho nên việc Quan Vân Trường có thủ Kinh Châu hay thậm chí là Khổng Minh trực tiếp trấn giữ cũng không thay đổi được gì.
Cho dù Quan Vân Trường không thua trước Lữ Mông, Lục Tốn năm 219 và Kinh Châu chưa mất, thì những năm sau đó, đây vẫn sẽ là khu vực "nóng" nhất trong mâu thuẫn Ngô - Thục.
Để thua trước Lữ Mông là thất bại của Quan Vũ, song để dẫn đến mâu thuẫn Ngô - Thục lại là sai sót của Khổng Minh và Lưu Bị.
Nhiều sự kiện về sau đã chứng minh, Lưu Bị chắc chắn là người sẵn sàng đi ngược lại đạo đức để hành sự. Điều mà Khổng Minh thất bại chính là không đưa ra được một cái cớ hợp lý để Bị thực hiện việc đó với Lưu Biểu.
Trong một hoàn cảnh tương tự, Bàng Thống - nhân vật tề danh cùng Khổng Minh - đã giúp Bị tìm được một lý do "danh chính ngôn thuân", giúp ông ta vượt qua "trở ngại đạo đức" mà đoạt lấy Tây Xuyên.
Câu nói "sớm muộn cũng để chủ công ngồi cao trên thành Nam Đô (Kinh Châu)" mà Khổng Minh nói với Lưu Bị xem ra đã trở thành trò cười, bởi thất bại của họ rất có khả năng xuất phát từ chính thời điểm "sớm muộn" đó mà thôi.
theo Trí Thức Trẻ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét