Tạo hình điện ảnh nhân vật Tôn Kiên.
Tiền kỳ Tam Quốc là giai đoạn cực kỳ sôi động, biến cố dồn dập, người tài lớp lớp. Giữa loạn thế, có người tìm được lý tưởng, có người thu được chiến công, có người chiếm được danh vọng, cũng có người đánh mất tất cả. Thật đúng là: “Ở đời muôn sự của chung/Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi”.
Vậy Tôn Kiên có anh hùng không, và đã anh hùng như thế nào? Đối thủ lớn nhất của Tôn Kiên là ai?
Dẹp Khăn Vàng, an Lương Châu, định Trường Sa, bình Kinh Nam
Thời Đông Hán, thế tộc lũng đoạn quan trường, người ta ra làm quan là nhờ vào quan hệ và tiến cử, cho nên dòng dõi là thứ tài sản quý giá nhất, mà danh tiếng là thứ vốn liếng quan trọng nhất. Nhờ danh tiếng tích lũy được trong hơn mười năm làm quan ở địa phương, đến năm Trung Bình thứ nhất (189), Tôn Kiên được Chu Tuấn – một trong ba tướng lĩnh chủ chốt chống Khăn Vàng (sau Hoàng Phủ Tung và Lư Thực) tiến cử làm Tá quân Tư mã để cùng tham gia bình định loạn Khăn Vàng.
Một người ôm đầy hoài bão như Tôn Văn Đài bước ra chiến trường chẳng khác nào rồng ra biển lớn, thỏa sức vẫy vùng. Triều đình Hán mạt suy yếu, quân đội chính quy ít ỏi vô cùng. Nhờ uy tín có được sau nhiều năm làm quan, Tôn Kiên bèn “mộ thêm các thương lữ và tinh binh ở vùng Hoài, Tứ, gom lại được hơn nghìn người”, lại được “những người trẻ tuổi ở quê quán đều nguyện đi theo” [1].
Một người ôm đầy hoài bão như Tôn Văn Đài bước ra chiến trường chẳng khác nào rồng ra biển lớn, thỏa sức vẫy vùng
Cầm số quân không tính là nhiều này, Kiên từ vùng Hoài Tứ đánh thẳng đến Nhữ Nam, Dĩnh Xuyên, khiến cho giặc phải “khốn quẫn, chạy vào giữ Uyển Thành”.
Tại mặt trận Nam Dương, Kiên lại càng uy dũng đi đầu ba quân, “đích thân đảm đương một mặt, trèo lên thành xông vào trước, binh sĩ bám theo như đàn kiến, sau cùng đại phá quân giặc” [1].
Chiến công này giúp Kiên được thăng làm Biệt bộ Tư mã, cũng giúp ghi lại ấn tượng tốt trong lòng giới quân đội Đông Hán. Bởi thế nên hai năm sau (189), khi Biên Chương, Hàn Toại làm loạn ở Lương Châu và người phụ trách đánh dẹp là Đổng Trác thất bại (lúc này Trác mới chỉ là Trung lang tướng), thì Xa kỵ Tướng quân Trương Ôn đã quyết định “dâng biểu xin cho Kiên giúp tham mưu việc quân”, hỗ trợ mình ở chiến trường phía Tây. Mà sau chiến dịch đó, Tôn Kiên cũng được chọn đi bình định quân phản loạn của Khu Tinh ở Trường Sa. Chỉ trong một tháng dẹp yên Khu Tinh, Tôn Kiên cũng tiêu diệt nốt phản quân Chu Triêu, Quách Thạch ở Linh Lăng, Quế Dương cạnh đó, hoàn toàn an định xong ba quận Kinh Nam (tức phía Nam Kinh Châu).
Giai đoạn này, Tôn Kiên quả thật là vị “phúc tướng” của Đông Hán, cần mẫn siêng năng, hễ gọi là đi, đánh khắp từ khu vực Trung Nguyên lên đến biên cương phía Tây, lại chạy về bình định phía Nam, mà hễ đánh là toàn thắng.
Khắc tinh của Đổng Trác
Lập vô số quân công trong thời gian ngắn ngủi mấy năm, Tôn Kiên được thăng làm Thái thú Trường Sa, chính thức bước vào hàng ngũ những nhân vật có thực lực trong thiên hạ khi ấy. Nhưng cái mà Tôn Kiên lấy được không phải chỉ có chức tước hoặc địa bàn, mà còn là danh vọng và sự tôn trọng. Và kẻ mà Tôn Kiên đối đầu, không chỉ có giặc cướp hay phản quân, mà còn là một quân phiệt trong tương lai sẽ hoành hành điên đảo: Đổng Trác!
Sau loạn Lương Châu, Biên Chương, Hàn Toại nghe đại quân đến, “bè đảng tự tan, đều xin hàng”, dư luận trong triều đình cho rằng “quân chưa lâm địch, không thể định công ban thưởng” [1]; thế nhưng uy tín của Tôn Kiên vẫn tăng vùn vụt, đó là vì hành động kể tội Đổng Trác.
Trước khi Trương Ôn và Tôn Kiên đến Lương Châu, Đổng Trác đối với phản quân Biên Chương, Hàn Toại không thể hiện được gì nhiều. Khi đại quân của Trương Ôn đến hỗ trợ, thái độ của Đổng Trác cũng không lấy gì làm vui vẻ, thậm chí còn chậm chạp, rất lâu sau mới đến báo cáo quân tình. Đối với một người đầy nhiệt huyết, nghiêm túc và có trách nhiệm như Tôn Kiên, đây là điều không thể chấp nhận. Kiên đã vạch ra ba tội đáng chém đầu của Đổng Trác:
- Trác “khinh mạn vô lễ với người trên”, không coi cấp trên (Trương Ôn) ra gì.
- Trác tiến binh trì trệ, ngăn cản quân lính chinh phạt phản nghịch, có dấu hiệu không muốn đánh, làm dao động quân tâm (“Chương, Toại cứng đầu ngang ngược nhiều năm, đáng ra phải kịp thời đánh dẹp, mà Trác nói là chưa nên, lại cản trở quân binh làm mọi người nghi hoặc”).
- Trác “vâng mệnh nhận trách nhiệm mà không có công, ứng mệnh triệu thì dềnh dàng chậm trễ, lại nghênh ngang tự kiêu”.
Tôn Kiên chính là đối thủ đáng sợ nhất của Đổng Trác.
Dù Trương Ôn e ngại danh tiếng của Đổng Trác ở Lương Châu quá lớn nên không ra tay, nhưng chuyện Tôn Kiên vạch tội Đổng Trác đã khiến cho triều đình “chẳng ai không tán thưởng” [1].
Sau này, khi Đổng Trác làm loạn triều cương, quan viên triều đình nhớ lại chuyện này ắt hẳn phải rất tiếc nuối vì không sớm diệt trừ một mầm loạn dẫu cho đã có người mắt sáng giúp chỉ ra mầm loạn đó. Nhưng chắc chắn là Đổng Trác cũng không vui vẻ gì khi có một kẻ địch như Tôn Kiên.
Không chỉ bị vạch tội, sau khi liên quân phạt Đổng hình thành, Tôn Kiên cũng chính là đối thủ đáng sợ nhất của Đổng Trác.
Trong liên quân Quan Đông chỉ có hai người thật lòng muốn phạt Đổng là Tôn Kiên và Tào Tháo. Nếu như Tào Tháo đánh đâu thua đó, là bại tướng của Từ Vinh; thì các kiêu tướng của Trác như Hồ Chẩn, Lữ Bố, Hoa Hùng lại đều thất thủ trước Tôn Kiên, mà Hoa Hùng cũng là do Tôn Kiên tiêu diệt, chứ không phải bị Quan Vũ chém đầu như Tam Quốc Diễn Nghĩa từng kể.
Chính miệng Đổng Trác cũng phải thừa nhận (dù miễn cưỡng) rằng “quân Quan Đông bị thua mấy lần rồi”, đều phải úy kỵ Trác chứ không thể làm gì được; chỉ riêng có Tôn Kiên là “cũng hơi có tài dùng người”, “đại để cái kiến giải của hắn tương đồng với Cô [2]”.
Úy kỵ cái dũng mãnh tráng liệt của Kiên, Đổng Trác đã phái Lý Thôi đến xin cầu hòa và kết thân với Tôn Kiên, “cho Kiên sắp xếp con em thân sơ của mình vào các chức Thứ sử, Quận thú, hứa sẽ dâng biểu bổ dụng họ”. Đây quả là cơ hội tốt nếu muốn gia tăng lực lượng, tăng cường phe cánh cho bản thân và gia tộc.
Nhưng không may cho họ Đổng vì Tôn Kiên không phải loại người như vậy. Lời tuyên bố của Kiên đã nói lên tất cả: “Trác trái trời vô đạo, khuất lật vương thất, nay không giết được ba họ nhà hắn để bố cáo thiên hạ thì ta chết không nhắm mắt, há lại cùng hắn hòa thân sao!”
Cuộc chiến với Đổng Trác đã giúp nâng tầm vóc của Tôn Kiên lên hàng một năng thần. Tham gia liên quân phạt Đổng, Tôn Kiên đã cho cả thiên hạ thấy rằng, thế nào mới là một trung thần mẫu mực, thế nào mới là một thần tử đúng nghĩa. Đó cũng là lúc, nền móng cho một thế lực mới tại Giang Đông dần dần được định hình. Đón xem kỳ tới: Tôn Kiên – năng thần của Đông Hán, tiên chủ của Giang Đông
....................................
Chú thích và tham khảo:
+ [1] Tam Quốc Chí – Tôn Phá Lỗ, Thảo Nghịch truyện (NXB Văn học 2016, Bùi Thông dịch, Phạm Thành Long hiệu đính).
+ [2] “Cô” – cũng như “cô vương” hoặc “quả nhân” là cách tự xưng khiêm tốn của của bậc vua các nước chư hầu thời phong kiến (như Tôn Quyền về sau cũng cắt đấy làm vương, xưng “cô”). Đổng Trác tự xưng Cô là có ý coi mình như đứng đầu một nước chư hầu.
Nguyễn Đỗ Thuyên
0 nhận xét:
Đăng nhận xét